Khi nào nên cắt amidan cho trẻ?

Cập nhật ngày: 02/11/2014 04:57:45

Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, bé Tùng (4 tuổi) lại lên cơn sốt nằm li bì, không ăn uống được vì amidan sưng to. Nhiều người khuyên nên cắt amidan hoặc nạo VA cho Tùng để khi bộ phận này không bị viêm, thì cậu bé sẽ không bị sốt nữa. Tuy nhiên, trẻ con có nên tùy tiện cắt amidan hay không, trường hợp nào thì nên cắt... là câu hỏi của rất nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ như Tùng.


Hiện nay không còn giới hạn tuổi khi cho trẻ cắt amidan. Ảnh: Chí Cường

Dấu hiệu trẻ viêm amidan

Theo BS Phạm Thắng (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), bình thường amidan là một khối hình hạch nhân màu hồng nằm ở hai bên họng. Còn VA là một tổ chức có cùng bản chất như amidan, có hình dáng trông giống như một chùm nho. Vị trí của VA cao hơn so với amidan và nằm ở vùng vòm họng, phía sau của mũi. Vùng này thông thường không thể nhìn thấy nếu không có một cái gương nhỏ đặc biệt.

Cả hai bộ phận này đều sản xuất ra kháng thể để chống lại sự viêm nhiễm. Amidan bình thường là tổ chức mô lympho có chức năng tạo ra 5 loại kháng thể Immunoglobuline bao gồm IgA, IgM, IgG, IgD và IgE theo những tỷ lệ khác nhau để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên khi amidan bị viêm nhiễm nhiều lần thì khả năng bảo vệ đó giảm hẳn và mặt khác amidan sẽ trở thành nơi vi trùng tích tụ nhiều hơn. Ở lứa tuổi từ 3 - 8 tuổi thì amidan khi viêm thường kèm theo hiện tượng phình to lên nên đôi khi làm trẻ gặp khó khăn trong vấn đề hô hấp, ăn uống.

Khi trẻ bị viêm amidan sẽ có những dấu hiệu sau: Amidan trông đỏ hơn bình thường; Có những đám trắng hoặc vàng phủ trên amidan; Thay đổi giọng nói do amidan sưng lên, nói giọng "ồm ồm";  Đau họng; Nuốt khó và đau; Nổi hạch ở cổ; Sốt.

Còn khi VA của trẻ bị "to", sưng, thường có biểu hiện khó thở qua mũi hoặc trẻ sẽ phải há mồm để thở. Ngoài ra, trẻ còn có những tiếng khò khè khi thở ban ngày; Có tiếng ngáy khi ngủ đêm; Thỉnh thoảng có ngừng thở vài dây trong đêm, khi ngủ ngáy.

Khi nào nên cắt?

Theo  BS Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), vấn đề cắt amidan hiện nay không còn giới hạn theo tuổi, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ cắt amidan nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau:

- Amidan quá to làm rối loạn hô hấp của trẻ như trẻ có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, trẻ khó thở, thở co kéo hoặc co lõm lồng ngực thường xuyên.

- Trẻ bị viêm amidan với triệu chứng như sốt, đau họng, nổi hạch cổ, amidan viêm đỏ có chất xuất tiết tới 7 lần trong một năm hoặc amidan chỉ viêm 5 lần trong 1 năm nhưng xảy ra trong 2 năm liên tiếp hoặc amidan chỉ viêm 3 lần trong 1 năm nhưng xảy ra trong 3 năm liên tiếp.

Ngoài ra, cũng nên cắt amidan cho trẻ khi:

- Amidan khi viêm là nguyên nhân gây sốt động kinh ở trẻ (sau khi đã loại trừ những nguyên nhân khác gây động kinh).

- Amidan cần được sinh thiết.

- Xét nghiệm phết họng tìm thấy liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A.

Trẻ có thể đi học ngay sau khi cắt

Nếu đã quyết định cho bé cắt amidan, cha mẹ nên tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của nhân viên y tế về yêu cầu trước phẫu thuật như thời gian nhịn ăn, lấy nhiệt độ, đo huyết áp và báo ngay cho bác sĩ những dấu hiệu bất thường vừa xảy ra cho trẻ như sốt, đau họng, ho nhiều hơn, tiêu chảy.

Sau khi phẫu thuật, trẻ cần được theo dõi những bất thường như: Theo dõi màu sắc nước miếng để biết nguy cơ chảy máu; Theo dõi cách thở của trẻ: Sự co lõm của lồng ngực, sự phập phồng cánh mũi để biết tình trạng hô hấp…

Sau phẫu thuật cắt amidan, trẻ có thể đi học ngay ngày hôm sau nhưng tránh la hét, chạy nhảy và vận động mạnh. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn sau cắt amidan như cho trẻ ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đặc tính lỏng, mềm, nguội từ 2 đến 3 tuần sau ngày trẻ được cắt amidan.

Thông thường sau phẫu thuật cắt amidan, trẻ sẽ hoàn toàn bình thường sau 3 tuần. Tuy nhiên, BS Nguyễn Thế Huy vẫn khuyến cáo các bậc cha mẹ đưa con đến viện ngay nếu có các dấu hiệu:

- Có máu lẫn trong nước miếng của trẻ, trẻ nôn ói ra máu bầm hoặc máu tươi.

- Trẻ sốt cao, đau nhiều hơn, khó nuốt hơn.

“Cho tới nay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng, tuy amidan có vai trò tiết ra các globuline miễn dịch để phòng chống một số bệnh thâm nhập vào đường hầu họng, nhưng theo thống kê theo dõi ở các trẻ đã cắt amidan thì lượng globuline này có sự thay đổi không đáng kể. Có nghĩa là cắt amidan không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ”.

Lan Phương /GiadinhNet -

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn