Lạnh người
Cập nhật ngày: 22/12/2012 10:38:49
Một số bạn đọc có chung thắc mắc là: thường xuyên cảm thấy lạnh trong người, đặc biệt sau khi mắc mưa. Mặc dù có thoa dầu, uống nước gừng, xông, chạy bộ dưới nắng..., nhưng chỉ giảm bớt chứ không hết hẳn. Phải chăng đó là sốt rét?
Sốt rét là loại bệnh do ký sinh trùng lây truyền sau khi bị muỗi anophen đốt. Virus gây bệnh là một loại ký sinh trong tế bào hồng cầu của người. Trước khi phát bệnh sốt rét sẽ có một thời kỳ ủ bệnh. Một số người mắc bệnh có các triệu chứng đầu tiên như: mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ bắp, kém ăn... Người mắc bệnh sốt rét điển hình, thường chia ra 3 giai đoạn rõ rệt: giai đoạn phát lạnh - người bệnh đột ngột rùng mình, sợ rét, mặc dù đắp chăn nhưng vẫn rét run, mặt mũi tái xám, môi thâm, toàn thân lạnh toát. Giai đoạn này kéo dài từ 10 phút đến 1 giờ, sau đó nhiệt độ trong người đột ngột tăng lên và bước sang giai đoạn phát nhiệt. Khi đó thì sốt cao (39-41 độ C), mắt đỏ, nhức đầu, khát nước, hô hấp khó khăn. Giai đoạn này kéo dài 4-8 giờ. Tiếp đó là giai đoạn ra mồ hôi, sau khi sốt cao đột nhiên đổ mồ hôi, nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường, dễ chịu, ngủ được.
Gừng... là những nguyên liệu làm bài thuốc chữa cảm hàn -
Cảm hàn
Những trường hợp lạnh người theo kiểu bạn đọc mô tả, không phải là sốt rét. Đó là tình trạng cảm hàn (trúng lạnh) do nhiễm gió và mưa, y học cổ truyền gọi là cảm phong hàn. Người bị cảm phong hàn do hàn tà xâm phạm vào bì mao (da, chân lông) với các triệu chứng: sốt, sợ rét, không có mồ hôi, đau người, uể oải, mạch khẩn (nhanh).
Để chữa ngoại cảm phong hàn phải dùng phép tân ôn giải biểu (dùng thuốc cay, ấm để giải biểu) như bài thuốc sau: sài hồ 12 gr, kinh giới 12 gr, chỉ xác 10 gr, xuyên khung 10 gr, phục linh 12 gr, khuông hoạt 16 gr, cát cánh 8 gr, tiền hồ 8 gr, phòng phong 8 gr, độc hoạt 12 gr, cam thảo 6 gr. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 2 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.
Tía tô... là những nguyên liệu làm bài thuốc chữa cảm hàn
Ngoài việc dùng thuốc, có thể giải cảm bằng ăn cháo giải cảm hoặc xông lá. Cách nấu cháo như sau: tía tô 20 gr rửa sạch thái nhỏ; hành tăm để cả rễ rửa sạch, thái nhỏ, gừng tươi 5 gr rửa sạch thái lát hoặc băm nhỏ. Trứng gà 2 quả (bỏ lòng trắng), hạt tiêu xay nhuyễn 2 gr. Tất cả cho vào tô. Gạo nếp 30 gr, gạo tẻ 30 gr vo sạch cho vào nấu nhừ thành cháo. Khi cháo chín cho vào bát trên, thêm chút gia vị vừa miệng; khuấy đều rồi ăn khi còn nóng. Ăn xong trùm kín chăn cho ra mồ hôi trong 10-15 phút. Dùng khăn khô lau sạch mồ hôi rồi nằm nghỉ (tránh nằm nơi có gió lùa).
Cách làm nồi lá xông: dùng các loại lá có tinh dầu (mùi thơm) có tác dụng giải biểu (ra mồ hôi) như: hương nhu, tía tô, chanh, bưởi, sả... mỗi thứ một nắm (khoảng 20-30 gr) rửa sạch, cho vào nồi, đậy bằng lá chuối, đậy kín vung, đun thật sôi. Bắc vào trong nhà trùm kín chăn rồi xông trong 10-15 phút cho đến khi mồ hôi ra toàn thân. Dùng khăn khô lau người, nằm nghỉ ở chỗ thoáng (không có gió lùa) hoặc ăn bát cháo giải cảm như trên.
Theo TNO