Ổ bệnh trong những món khoái khẩu
Cập nhật ngày: 19/12/2012 08:19:36
Những ký sinh gây hàng loạt các bệnh nguy hiểm: tắc mật, xơ gan cổ chướng, viêm ruột tồn tại trong các món tươi sống.
Ký sinh trùng trong cá, ếch chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi
Sán lá vào nhà hàng
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đề (Đại học Y Hà Nội), bệnh ký sinh trùng hiện phổ biến trong cả nước, lây qua đường thực phẩm.
Tại Hà Nội, kiểm tra 10 loại cá tại 5 chợ, có 7 loài nhiễm sán lá. Ngoài ra, còn tìm thấy ấu trùng giun đầu gai trên lươn. Còn trên ếch, 10% mẫu xét nghiệm tìm thấy ấu trùng sán nhái.
Đặc biệt, qua lấy mẫu một số thực phẩm không chín (gỏi cá, nem thính, nem chua) trong một số nhà hàng từng phát hiện món gỏi cá nhiễm ấu trùng sán lá.
Với khu vực ngoại thành Hà Nội, các mẫu cá chép, rô phi, mè, trôi, trắm đều tìm thấy ấu trùng sán lá với tỷ lệ 2-6% số mẫu xét nghiệm.
Tại Nam Định, kiểm tra trên một số loài cá nước ngọt cho thấy, 14% mẫu cá chép có nhiễm ấu trùng sán lá. Tỷ lệ này ở cá trắm là 16%; cá mè 10%; rô phi 4%; cá trôi 12%.
Một số vùng nông thôn của Hòa Bình, Nghệ An, Đắk Lắk cũng phát hiện ấu trùng sán lá trên các loại cá: chép, mè, rô phi với tỷ lệ nhiễm 4-30%
52 tỉnh, thành có dân cư nhiễm sán
Gỏi cá có thể là mầm bệnh nguy hiểm
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng, sán lá gan nhỏ trưởng thành thường nằm sâu trong ống mật nhỏ của gan, gây viêm đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa và có thể gây ung thư đường mật.
Sán lá phổi nằm sâu trong mô phổi gây ra các triệu chứng có thể giống với bệnh lao như ho ra máu với đờm, ho ra máu có khi kéo dài nhiều năm, gây đau ngực, khó thở, sốt.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đề, sán lá phổi lưu hành ít nhất tại 10 tỉnh, thành. Loại sán này gây chẩn đoán nhầm với lao phổi khiến nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm phải điều trị lao, có trường hợp suốt 30 năm.
Sán lá gan lớn - loại sán có thể gây xơ gan hiện đã lưu hành đến 52 tỉnh, thành. Loài này có thể cư trú trong cơ thể người nhiều năm.
Các loài ký sinh trùng khi vào cơ thể gây suy yếu và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan mà chúng “định cư”: gan, phổi, não, có loài ký sinh ở mắt, lên não.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đề, việc lựa chọn thực phẩm an toàn với mầm bệnh ký sinh hết sức khó khăn. Khả năng sống của mầm bệnh ký sinh trong thực phẩm tươi sống rất cao, chúng chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi. Bởi vậy phòng nhiễm trước hết là không ăn sống các thực phẩm.
Theo TNO