Người tiểu đường suy dinh dưỡng vì sợ ăn

Cập nhật ngày: 14/09/2013 06:06:20

Nhịn ăn, ăn ít hơn nhu cầu, “đoạn tuyệt” hoàn toàn với tinh bột, trái cây chín… là một trong những sai lầm phổ biến của nhiều người khi biết mình mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng này khiến cơ thể người bệnh thiếu dưỡng chất, thúc đẩy nhanh biến chứng của tiểu đường.

Tại buổi công bố kết quả nghiên cứu về sản phẩm dành cho người bệnh tiểu đường vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, câu hỏi mà các chuyên gia nhận được nhiều nhất từ người bệnh đái tháo đường, là bỏ ăn tinh bột, hoa quả chín vì trong đó có nhiều đường, sẽ làm tăng đường huyết.

Thực tế, với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là 3 yếu tố không thể tách rời. Trong đó, dinh dưỡng là nhằm duy trì mức đường huyết huyết trong máu ở giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở ngưỡng an toàn để ngăn ngừa và giảm các nguy cơ biến chứng (không làm tăng đường máu sau bữa ăn, không làm hạ đường máu khi đã xa bữa ăn). Nguyên nhân là do tất cả biến chứng cho bệnh nhân đái đường đều do đường máu tăng gây nên, nên phải kiểm soát trong giới hạn bình thường sẽ giúp ngăn ngừa, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh nhân đái tháo đường…

“Dinh dưỡng là không thể thiếu trong tư vấn, hỗ trợ điều trị với người bệnh đái tháo đường. Thế nhưng đại đa số người bệnh đái tháo đường sợ không dám ăn, ăn thấp hơn nhu cầu dinh dưỡng khiến một thời gian sau bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Hay sợ tăng đường huyết mà bỏ hoàn toàn tinh bột, chỉ ăn thịt khiến bệnh nhân cứ nhìn thấy thịt là sợ. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến suy thận hay bệnh gout. Điều quan trọng là bệnh nhân nên ăn uống giữ ổn định chất tinh bột trong các bữa ăn, không nên ăn quá nhiều.”, TS Lâm nói.

Một chế ăn hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường vẫn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, chất béo, rau xanh và quả chín; vẫn cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu.

Hướng dẫn chi tiết về lựa chọn thực phẩm cho người bệnh tiểu đường:

TS Lâm cho biết, hiểu rõ về các thực phẩm giúp người bệnh tiểu đường lựa chọn được thực phẩm phong phú, ăn ngong miệng mà không sợ tăng chỉ số đường huyết trong máu. Cần ghi nhớ nguyên tắc chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: bánh mì đen, gạo lứt, rau củ quả có nhiều trong chế độ ăn. Ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tuyệt đối không bỏ bữa. Tránh ăn hoặc uống các thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo nước ngọt... Hạn chế ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhiều mỡ nhất là phủ tạng động vật, hạn chế các món xào quá nhiều dầu mỡ hoặc món rán vài các chất béo chuyển sang dạng đồng phân transfat dễ gây rối loạn lipid máu. Tránh ăn giảm lượng muối, gia vị đến mức thấp nhất vì ng bệnh đái tháo đường thường kèm theo tăng huyết áp

Ví dụ, bánh mì trắng chỉ số đường huyết là 100, gạo trắng là 83 nhưng khoai sọ là 58, khoai lang chế biến vừa chín tới là 54 nhưng nếu hầm nhừ quá thì chỉ số đường huyết tăng lên. Tương tự, trong củ từ lượng đường là 51, sắn 50. Như vậy chúng ta có thể bớt cơm ăn khoai, chỉ số đường huyết thấp thì lượng glucose máu sau ăn không tăng

Trong nhóm rau củ cải, cà rốt chỉ số đường huyết là 49, rau muống là 10, hạt lạc, đậu tương 18, đậu đỏ 49, sữa gầy, sữa chua… Vì thế, người bệnh ăn canh đậu tương rất tốt, ăn lạc cũng không sao và cũng có thể ăn sữa chua, sữa gầy chứ không phải bị tiểu đường là kiêng tuyệt đối các thực phẩm này

Người bệnh tiểu đường luôn đặt câu hỏi, có được ăn các loại quả chín hay không? TS Lâm cho biết, các loại quả chín chỉ số đường huyết đều thấp hơn cơm. Quả càng ít ngọt chỉ số đường huyết càng thấp như ổi 16, mận 24, lê 34. Người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn tất cá các loại quả chỉ có điều không ăn nhiều và giảm bớt vài thìa cơm khi định ăn trái cây.

Tú Anh (Dân trí)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn