Những điều cần phải tránh khi ăn cá
Cập nhật ngày: 16/07/2015 10:33:31
Cá xuất hiện thường xuyên trong các bữa ăn của người Việt bởi ngon miệng, giàu dinh dưỡng, dễ hấp thu và tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn cá không đúng có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là những điều bạn cần phải tránh khi ăn cá:
Ăn cá khi bị ho - bệnh càng nặng
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thì người ho lâu ngày và phải dùng thuốc điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng.
Bởi lẽ, trong cá biển có chứa nhiều histamine, khi được nạp vào cơ thể quá nhiều nó sẽ xâm nhập vào quá trình tuần hoàn máu, gây ra hiện tượng dị ứng với histamine.
Việc ăn cá khi sử dụng thuốc ho, hay các thuốc kháng sinh liều cao, thuốc hạ huyết áp là điều các chuyên gia y tế khuyên bạn không nên dùng cùng lúc. Nó sẽ làm phản tác dụng của cả thuốc và thực phẩm, gây hại cho bạn.
Bắt cá lên ăn tươi, sống - dễ nhiễm độc và giun sán
Thông thường cá chỉ được ăn chín mà thôi, tuy vậy, nhiều người lại cho rằng ăn cá càng tươi sống càng bổ dưỡng. Tuy nhiên thực tế lại ngược lại. Hầu như tất cả các loài cá đều bị nhiễm ký sinh trùng một cách tự nhiên, nếu không nấu chín thì không thể tiêu diệt các kí sinh trùng đi.
Nếu ăn cá sống, các kí sinh trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây bất lợi cho gan, làm cho gan bị nhiễm ký sinh trùng, trường hợp nghiêm trọng thậm chí dẫn đến ung thư gan.
Cũng giống như nhiều loài động vật khác, cá có thể ăn phải các trứng sán có nhiều ngoài môi trường. Khi vào cơ thể động vật, trứng sán phát triển thành các ấu trùng, nang sán và cư ngụ ở trong nội tạng động vật. Cá nước ngọt có nguy cơ này cao hơn cả. Một trong số những loài kí sinh trùng mà cá nhiễm phải là sán dây.
Loại ký sinh trùng này nếu không được tiêu diệt có thể lây sang cơ thể người và cư trú trong ruột của người suốt nhiều năm, phát triển tới chiều dài 1-2m và gây ra những cơn đau quằn quại, giảm cân và bệnh thiếu máu.
Do vậy, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ không được ăn cá sống, tái, chưa chín kỹ vì rất dễ mắc bệnh giun sán.
Ăn cá khi đói - nguy cơ bị gout
Ăn cá khi đói khiến cho nguy cơ phát tác bệnh gout tăng lên. Sở dĩ vậy vì hàm lượng dinh dưỡng trong cá có chất đạm cao được nạp vào cơ thể bạn khi đói sẽ làm tăng lượng Purine chuyển hóa thành dạng axit uric - một loại axit làm tổn thương ở mô, dẫn đến bệnh gout. Vì vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh gout, bạn không nên ăn cá lúc đang đói.
Nguy cơ này cao hơn khi bạn ăn cá biển, cá ở tầng nước sâu vì hàm lượng đạm của những loại cá này là rất cao. Không chỉ riêng cá mà các loại hải sản nói chung luôn được các chuyên gia về gout khuyến cáo không nên sử dụng.
Ăn mật cá giải độc lại thành độc
Nhiều người vẫn truyền miệng nhau rằng mật cá có tác dụng chữa bệnh như: Đau bụng, đau lưng, hen suyễn…. Tuy nhiên, đây là một bài thuốc truyền miệng nguy hiểm chết người. Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã tử vong.
Mật của các loại cá (kể cả cá trắm đen và trắng) đều có chất độc, nếu ăn phải có thể bị ngộ độc nguy hiểm.
Hàng năm, các bệnh viện vẫn nhận được các trường hợp cấp cứu do ngộ độc mật cá. Qua phân tích người ta thấy, trong mật cá, đặc biệt là mật cá trắm, cá chép thường có chứa độc tố alcol steroid. Chất này gây viêm gan, viêm thận cấp, tác hại lên hệ thần kinh.
Gặp phải trường hợp ngộ độc mật cá này, bạn nên xử trí bằng cách đào thải chất độc ra khỏi cơ thể với việc gây nôn sớm, rửa dạ dày, lọc màng bụng, điều chỉnh nước, điện giải và muối, dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, tim mạch.
Để đề phòng ngừa ngộ độc khi ăn cá phải chọn cá tươi, không bị vỡ mật, khéo léo bóc bỏ trọn bộ đồ lòng (nhất là cá lớn), nếu phát hiện mật cá bị vỡ thì rửa cá thật sạch, nấu nướng kỹ. Tốt nhất nên bỏ mật, lòng cá.
Minh Minh (TH)/Báo Gia đình và Xã hội