“Bài toán” về phát triển nguồn nhân lực cho du lịch tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 23/06/2014 04:12:00

Theo đánh giá của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh, khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch Đồng Tháp có tín hiệu khởi sắc, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, lượng khách tăng đều mỗi năm. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng nguồn nhân lực “vừa thừa, vừa thiếu”. Đây vẫn đang là “bài toán nan giải” mà ngành du lịch cần sớm khắc phục.


Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những
mục tiêu trọng tâm hiện nay của ngành du lịch

Hiện nay, toàn tỉnh có 845 lao động đang công tác tại các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, đa phần chưa được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp, trong đó có gần 70% là lao động phổ thông, chỉ có 8,45% trình đại học, 4,97% trình độ cao đẳng và trung cấp. Do đó, tình hình nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở tỉnh Đồng Tháp đang ở vào tình thế “thừa về lượng nhưng thiếu hụt trầm trọng về chất”.

Phần lớn các điểm du lịch trong tỉnh, do thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng cao nên các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú buộc phải tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên chưa qua đào tạo chuyên môn. Hệ quả là chất lượng dịch vụ du lịch đi xuống.

Hiện nay, theo khảo sát cho thấy, số lượng không nhỏ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch vẫn còn yếu kém về kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn như: kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, văn hóa ứng xử và tâm lý du khách, kỹ năng tổ chức sự kiện và hoạt náo, thiếu kiến thức tổng quan về du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Du lịch và Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim chia sẻ: “Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên ngành du lịch sau khi tốt nghiệp vẫn còn yếu về kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn. Theo tôi, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, các đơn vị đào tạo cần cho sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế công việc. Bên cạnh trang bị cho các em những kiến thức chuyên môn, còn phải chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ...”.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu chính là thách thức không nhỏ của ngành du lịch Đồng Tháp trong mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, để góp phần nâng tầm hình ảnh du lịch Đồng Tháp trong mắt du khách, việc đào tạo và củng cố nguồn nhân lực phục vụ du lịch được xem là vấn đề cấp bách và trọng tâm hiện nay.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, hiện tại, ngành du lịch đề ra kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngắn hạn cũng như dài hạn. Theo đó, Sở VHTT&DL đã xây dựng chương trình đào tạo mang tính toàn diện như: đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao kiến thức quản lý, quản trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp... Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp năng động, sáng tạo, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài phục vụ cho ngành du lịch của tỉnh.

Sắp tới, một mặt tiếp tục phát huy những ưu thế của các hình thức đào tạo truyền thống, mặt khác sẽ nghiên cứu bổ sung thêm những hình thức đào tạo mới như: đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo gói dự án, các đơn vị tự đào tạo. Đồng thời, tranh thủ công tác đào tạo của Tổng cục Du lịch và các dự án đào tạo quốc tế nhằm cải thiện nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn