Gắn làng nghề với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 11/08/2014 05:21:54

Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tài nguyên du lịch phong phú, đã trở thành điểm đến khá hấp dẫn cho du khách. Trong đó, các làng nghề truyền thống cũng tô điểm thêm cho tài nguyên du lịch của tỉnh. Những năm gần đây, du lịch làng nghề đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình phát triển du lịch.


Làng bột Sa Đéc

Làng bột Sa Đéc có lịch sử khá lâu đời. Những năm qua, Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp đã phát huy thế mạnh gắn làng nghề gắn với phát triển du lịch. Cụ thể: các kỹ thuật bếp đã được Công ty đào tạo bài bản theo chuẩn phục vụ khách du lịch Âu, Á; từng tham gia nhiều hội thi món ăn ngon do Tổng Cục du lịch và ngành du lịch các tỉnh tổ chức đạt nhiều giải thưởng cao, điển hình như: Huy chương bạc Hội thi món ngon các nước năm 2008 và hơn 20 huy chương vàng, bạc, đồng trong các hội thi ẩm thực tại TP.HCM, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...; giải nhất, nhì hội thi Chiếc thìa vàng 2013 và 2 kỷ lục chế biến nhiều món trái cây và sen tại TP.Sa Đéc nhân dịp Sa Đéc công nhận thành phố (năm 2014). Trong các món đạt giải, các kỹ thuật bếp sử dụng nguyên liệu hiện có tại Đồng Tháp để sáng tạo món ăn nhằm phục vụ du khách và quảng bá ẩm thực Đồng Tháp, trong đó có những món sáng tạo từ bột gạo Sa Đéc được hội đồng chấm thi đánh giá cao như: món bánh canh cá rô đồng, bánh canh cua, bánh canh vịt xiêm, bánh xèo Cao Lãnh, bánh xèo Mekong, bánh cuốn thịt ba chỉ,...

Để làng nghề bột Sa Đéc phát triển bền vững, đồng thời giải quyết tốt việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho cư dân địa phương, nguồn thu cho ngân sách thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nhà nước cần quy hoạch làng nghề bột một cách bài bản, trong đó vấn đề quan trọng là vệ sinh môi trường, có hệ thống xử lý nước thải tốt; quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi các làng nghề để học hỏi kinh nghiệm; gắn du lịch với phát triển làng nghề, làm cho làng nghề trở thành điểm du lịch cộng đồng; đa dạng hóa mẫu mã, loại hình sản phẩm, đồng thời cần duy trì các sản phẩm truyền thống, dân dã, gắn với môi trường.

Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp luôn ủng hộ phát huy làng nghề gắn với phát triển du lịch và hạn chế gây tác hại đến môi trường, tạo ra sản phẩm du lịch xanh, sạch, đẹp để hướng đến việc phát triển du lịch một cách bền vững. Trong đó, ẩm thực an toàn không thể thiếu khi phục vụ khách du lịch đến với Đồng Tháp. Nhằm định hướng phát triển bền vững làng bột Sa Đéc - kết nối phát triển du lịch, Công ty sẽ hỗ trợ mời Ban Quản lý “Dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh Châu Âu tài trợ sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn tại Đồng Tháp (dự kiến quý 3/2014): lớp nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm gắn với làng nghề bột Sa Đéc dành cho cán bộ quản lý ở các sở, ngành, huyện, thị trong tỉnh; lớp nâng cao nhận thức du lịch có trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp du lịch và lớp nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân của làng nghề bột Sa Đéc. Đây là cơ hội giúp thay đổi nhận thức và cách làm, định vị giá trị thương hiệu làng bột Sa Đéc.

N.P

(Trích lược tham luận của bà Nguyễn Thị Nga - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp tại Hội thảo “Làng bột Sa Đéc - Những tác động của môi trường và định hướng phát triển bền vững”, tiêu đề do phóng viên đặt)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn