Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn

Cập nhật ngày: 03/11/2022 10:41:09

ĐTO - Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn đã triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59 ngày 8/2/2018 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 20, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.


Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười khám và theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân điều trị nội trú

Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức, quyết tâm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng. Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, trước hết là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng, chống và chữa bệnh.

Công tác y tế dự phòng được tăng cường, đã kiểm soát và phòng, chống tốt dịch Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm. Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu được củng cố, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm quản lý một số bệnh mãn tính như hen, tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng dân cư, góp phần giảm tình trạng quá tải tuyến trên. Ngành y tế thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng ngay tuyến dưới. Hệ thống quản lý thông tin ngành y tế đi vào hoạt động đã thực hiện kết nối và chuẩn hóa dữ liệu từ các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, ngành y tế đã xây dựng xong Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Lâm Thái Thuận - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành y tế tỉnh tăng cường phối hợp với các Trường Đại học y dược, đơn vị đào tạo y tế, đơn vị nghiên cứu y khoa điều trị đầu ngành trong và ngoài nước để giúp tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành; có giải pháp phù hợp hơn trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết các tồn tại trong thời gian qua. Trọng tâm giai đoạn hiện nay là nghiên cứu, đánh giá tác động của các mô hình bệnh tật, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, xây dựng chính sách dài hạn, phát triển bệnh viện vệ tinh, xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến... đáp ứng được các yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Ngoài ra, ngành y tế đã sắp xếp thu gọn đầu mối, quản lý thống nhất theo ngành dọc, trách chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tạo sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Nhất là củng cố hoạt động của Trung tâm Y tế huyện với 2 chức năng dự phòng và điều trị. Tổ chức hoạt động hiệu quả Trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường phù hợp với từng địa phương. Tạo điều kiện phát triển mạnh các cơ sở y tế ngoài công lập để cạnh tranh, thúc đẩy phát triển và giảm áp lực đầu tư công, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế của người dân.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn