Nông nghiệp Đồng Tháp chuyển dịch tăng trưởng theo chiều sâu

Cập nhật ngày: 28/12/2023 12:32:55

ĐTO - Năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng với những kết quả tích cực, ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục chứng minh vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thuỷ sản năm 2023 của tỉnh ước đạt 49.478 tỷ đồng, tăng 4,56% so với năm 2022 (tương ứng tăng 2.178 tỷ đồng), bằng 100,7% kế hoạch năm. Đây được xem tín hiệu tích cực, góp phần giúp cho Đồng Tháp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.


Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông

Năm 2023, tình hình sản xuất nông - lâm - thuỷ sản của tỉnh tiếp tục phát triển, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng; Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp của tỉnh đã được hình thành và đưa vào sử dụng thử nghiệm... Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 0,72% và thuỷ sản tăng 5,21% so với cùng kỳ; giá trị tăng thêm của khu vực nông - lâm - thuỷ sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 61.921 tỷ đồng (tăng thêm 2.981 tỷ đồng so với năm 2022 và vượt kế hoạch 165 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng đạt 4,51% (cao hơn mức tăng trưởng năm 2019).

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ đó, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, để các ngành hàng thế mạnh của tỉnh là lúa gạo, sen, xoài, hoa kiểng và cá tra khai thác được tối đa chuỗi giá trị, Đồng Tháp đã thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến. Các mô hình sản xuất nổi bật tạo được nhiều lan tỏa trong năm qua phải kể đến như: mô hình giảm giá thành sản xuất; giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận thực hiện trên cây lúa; canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn; sản xuất xoài theo tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng nhân rộng mô hình liên kết, cơ giới hóa sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích sử dụng đất; mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị,… Các mô hình sản xuất mới đã góp phần giúp thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất nông nghiệp của nhiều nông dân, bắt đầu hướng đến sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ... góp phần tạo được nhiều giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất.

Từ những tín hiệu lạc quan cho thấy, các ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang phát huy được tiềm năng, lợi thế, từng bước giúp Đồng Tháp chuyển dịch kinh tế nông nghiệp nông thôn theo chiều sâu.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn