Chú trọng công tác giáo dục kỹ năng, đạo đức, nhân cách học sinh

Cập nhật ngày: 27/01/2024 05:55:44

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240127055703dt2-9.mp3

 

ĐTO - Toàn tỉnh hiện có 597 cơ sở giáo dục gồm giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT, Giáo dục thường xuyên với 297.496 trẻ Mầm non, học sinh (HS) và học viên. Cùng với chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT triển khai, hướng dẫn các đơn vị chú trọng công tác giáo dục kỹ năng, đạo đức, nhân cách HS các ngành học, cấp học, để các em phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.


Học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1 (huyện Cao Lãnh) tốt nghiệp chương trình học bổng tiếng Anh Access do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ

Thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tùy theo từng cấp học, ngành học, mỗi môn học trong chương trình đều có nội dung tích hợp giáo dục trải nghiệm. Bao gồm, hoạt động giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp để phát huy sở trường, năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho HS thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; hoạt động giáo dục lịch sử địa phương (truyền thống văn hóa; du lịch, các làng nghề) được đưa vào giảng dạy cho HS. Năm học 2023 - 2024, các hoạt động giáo dục kỹ năng, đạo đức, nhân cách được thực hiện chặt chẽ thông qua sự phối hợp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ HS. 100% cơ sở giáo dục đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, ban, ngành có liên quan tại địa phương và gia đình HS trong việc phối hợp theo dõi, hỗ trợ, giáo dục HS.

 Năm 2023, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Gắn kết ba môi trường giáo dục: Nhà trường - Gia đình - Xã hội”.  Ngoài ra, các đơn vị trường thường xuyên tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khóa gắn với các hoạt động hướng nghiệp như: tổ chức thăm thực tế tại các cơ sở kinh doanh tại địa phương, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong ngoài tỉnh; tham gia vệ sinh môi trường, dọn rác thải, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon, ươm, trồng cây xanh trên các tuyến đường nông thôn, trồng cây thảo dược hoặc trồng rau sạch, hội chợ ẩm thực...

Các hoạt động ngoại khóa của HS tại các đơn vị trường theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới giúp các em có thêm kiến thức vận dụng vào thực tế. Cùng với đó, các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức trang bị thêm cho HS kỹ năng giao tiếp ứng xử, giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ các bạn cùng trang lứa, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, góp phần hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Đặc biệt, thông qua sự kết nối của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, các sở, ngành tỉnh, các đơn vị trường trong tỉnh còn triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình tư vấn du học, học bổng dành cho HS các khối lớp, các dự án gắn với môi trường... Theo đó, HS các ngành học, cấp học khi tham gia  cùng các chuyên gia điều phối dự án, chương trình được học các kỹ năng làm việc nhóm, hoạch định kế hoạch, rèn kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, giúp các em có thêm cơ hội du học ngoài nước sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.

Năm học 2023 - 2024, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT, các đơn vị trường tiếp tục triển khai các hoạt động ngoại khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT, khuyến khích HS tham gia các dự án, chương trình liên kết với nước ngoài. Chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống địa phương.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn