TP Sa Đéc

Đảm bảo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật ngày: 29/09/2022 05:57:31

ĐTO - Tại TP Sa Đéc, với sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố và sự hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phòng GD&ĐT TP Sa Đéc và các đơn vị trường trên địa bàn đã triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng lộ trình quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.


Giáo viên Trường Tiểu học Phú Mỹ, TP Sa Đéc tham gia hoạt động chuyên môn nâng cao kỹ năng giảng dạy

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Phòng GD&ĐT thành phố tổ chức triển khai hướng dẫn đến các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) thực hiện Chương trình GDPT mới. Từ năm học 2020-2021, Chương trình GDPT mới  triển khai thực hiện đối với lớp 1 tại các cơ sở giáo dục Tiểu học; năm học 2021-2022 tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 6; năm học 2022-2023 Chương trình GDPT 2018 triển khai thực hiện tiếp tục đối với lớp 1,2,3,6,7 tại các cơ sở giáo dục Tiểu học, THCS. Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) thực hiện Chương trình GDPT mới được Phòng GD&ĐT thành phố và các ngành phối hợp chuẩn bị chu đáo.

 Theo đó, 100% cán bộ quản lý, GV giảng dạy chương trình mới được tập huấn trực tiếp, trực tuyến theo các nội dung chương trình do Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tổ chức. Kết quả, từ năm 2020 đến tháng 7/2022, các GV dạy lớp 1,2,3,6,7 đã tập huấn các nội dung theo hướng dẫn và trực tiếp giảng dạy. Dự kiến đến trước tháng 7/2023, 2024, GV dạy lớp 4,5,8,9 tiếp tục tập huấn để đảm nhận việc giảng dạy các môn theo Chương trình GDPT mới.

Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho việc giảng dạy, các GV sẽ tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới trên hệ thống dữ liệu. Đến nay, mỗi cán bộ quản lý, GV được trang bị tài khoản trên phần mềm tập huấn cơ sở dữ liệu để tham gia các lớp bồi dưỡng Chương trình GDPT mới. Các đơn vị trường đã triển khai sử dụng hệ thống MS Teams để GV giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn và tổ chức các buổi họp trao đổi, hướng dẫn chuyên môn. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học, các đơn vị trường chủ động trong việc đăng ký tài khoản, tập huấn sử dụng tài khoản cho 100%, cán bộ quản lý, GV. Đội ngũ GV dạy lớp 3,7 năm học 2022-2023 được trang bị tài khoản trên cổng Hành trang số của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để khai thác nguồn học liệu số phục vụ công tác dạy học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Các đơn vị trường đã thực hiện số hóa dữ liệu, thiết bị, học liệu qua các phần mềm: Idesk, Temis, Emis, Misa...

UBND TP Sa Đéc ưu tiên hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để ngành GD&ĐT thành phố thực hiện đổi mới Chương trình GDPT mới. Các đơn vị trường thực hiện Chương trình GDPT mới được rà soát, sửa chữa, nâng cấp, duy trì và đưa vào sử dụng với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đối với từng khối lớp. Đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới Chương trình GDPT mới, bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình. Năm học 2022-2023, TP Sa Đéc có 10 trường Mầm non, Tiểu học, THCS đã sửa chữa, nâng cấp với các hạng mục gồm: các phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, sân trường, cổng rào đảm bảo công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới theo lộ trình...

Cùng với các nội dung giảng dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Sa Đéc và các đơn vị trường Tiểu học trên địa bàn còn triển khai đầy đủ các tài liệu về chương trình giáo dục địa phương cho GV trực tiếp giảng dạy của các khối lớp từ 1 - 5. Tùy theo các tiết bài giảng, GV sẽ bám sát từng chủ đề của các khối lớp để giảng dạy học sinh (HS) đạt hiệu quả, đảm bảo mục tiêu và chất lượng giáo dục. GV có thể thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung chương trình giáo dục địa phương vào các môn học, hoạt động trải nghiệm, phù hợp với đặc điểm tâm lí, trình độ phát triển nhận thức của HS theo từng khối lớp; đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định, không gây áp lực, quá tải cho HS.

Cùng với ngành GD&ĐT, thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền của ngành GD&ĐT, thời gian qua, Ban đại diện cha mẹ HS của từng trường thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ phía phụ huynh HS của nhà trường, các mạnh thường quân trong việc hỗ trợ cho HS. Mỗi năm học, có hơn 1.000 HS được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng, qua đó giúp các em yên tâm học tập, không bỏ học, nghỉ học. Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc rà soát về chuyên môn đối với cán bộ quản lý, GV chưa đạt chuẩn về trình độ, cử đăng ký tham gia học tập bồi dưỡng nâng cao. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho đội ngũ GV dạy các môn tích hợp tham gia học tập, bồi dưỡng thêm kiến thức đối với môn còn lại để có thể đảm nhận công tác dạy học. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Phòng GD&ĐT chỉ đạo cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông tận dụng tối đa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của đơn vị. Các đơn vị trường thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học, tiếp nhận, bảo quản, quản lý, khai thác sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả để phục vụ tốt Chương trình GDPT mới.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn