Giảm tải, giảm tải, giảm tải...

Cập nhật ngày: 16/08/2017 06:21:53

Đó là khẩu hiệu hành động thiêng liêng bậc nhất của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố gần đây để lấy ý kiến của nhân dân, qua đó hầu tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện.

Sau 1975, giáo dục Việt Nam đã có hai cuộc cải cách giáo dục, đổi mới chương trình phổ thông vô cùng rầm rộ, tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức (lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1981; lần thứ hai bắt đầu vào năm 2000). Không nói ra một cách chính thức nhưng ai cũng biết và thừa nhận ngầm, đó là hai lần đại thất bại mà hậu quả tai hại của nó còn di căn trong nhiều thế hệ học sinh và trong tiến trình phát triển của đất nước.

Thất bại lớn nhất, thấy rõ nhất của hai cuộc cải cách, đổi mới nói trên là sự quá tải của nội dung chương trình, khiến học sinh nhiều thế hệ bị dìm sâu trong một mê hồn trận của ngồn ngộn các mớ lí thuyết tri thức bác học, trong khi hệ thống kĩ năng thực hànhkĩ năng sống lại vô cùng mờ khuyết, qua loa, bỏ trống...

Có thể lấy hình ảnh của chiếc cặp học sinh tiểu học để minh họa một cách cụ thể, sinh động cho thực trạng quá tải trên: Khi chưa có cải cách, đổi mới, chiếc cặp của các em nhẹ thênh để có thể tung tăng đến trường; còn sau hai cuộc cải cách, đổi mới ấy, chiếc cặp đã trì kéo tấm lưng của các em còng xuống mỗi khi khoác nó rất cực nhọc để đến trường. Từ trọng lượng khoảng 1 - 2kg, chiếc cặp đã tăng lên đến 5 - 6kg, thậm chí nặng hơn! Nhiều trường đã có sáng kiến cho các em gửi bớt vở sách lại lớp học trước khi về nhà, nhưng chiếc cặp vẫn cứ nặng quá mức, bởi vì không thể để lại những gì liên quan đến thời khóa biểu dày đặc ngày mai.

Sự quá tải của nội dung chương trình xuất phát chủ yếu từ hai lí do: một là những người biên soạn hầu hết là các giáo sư phòng lạnh, rất ít hoặc không có vốn thực tiễn, lại tham khảo, ráp nối một cách cơ giới và máy móc những điều mà các nền giáo dục tiên tiến đang thực hiện để cho ra một tập hợp không giống ai của Việt Nam; hai là do cơ sở vật chất phục vụ giáo dục của nước ta, nói chung là chưa tương thích và đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của việc thực hiện nội dung chương trình, dù nó đã được tối giản đến mức có thể.

Ngỡ rằng, để tránh thất bại vì sự quá tải từ nội dung chương trình của hai lần cải cách giáo dục trước, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này sẽ trưng ra một bộ mặt khác, nhẹ nhàng, thanh thoát và tươi mới hơn, song như nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục đã lên tiếng: nó chẳng hề giảm tải chút nào, thậm chí có nội dung và phương diện kiến thức còn quá tải hơn!

Nguyên nhân chủ yếu là do cách làm vẫn chẳng có gì đổi mới trong khâu tổ chức nghiên cứu, biên soạn chương trình. Vẫn hầu hết là những vị giáo sư phòng lạnh với thao tác tham khảo, sưu tầm nhiều hệ thống nội dung chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài rồi biến hóa thành của mình mà chưa thực sự căn cứ vào thực tiễn giáo dục đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn và lạc hậu của nước ta.

Ai chẳng muốn học sinh được học và nắm càng nhiều càng tốt những kiến thức phổ thông giữa cái biển tri thức mênh mông vô tận và vĩnh hằng của càn khôn. Song không thể vì như vậy mà tiếp tục cách làm duy ý chí, xa rời thực tiễn, bỏ qua dư luận xã hội, tiếp tục theo lối áp đặt chủ quan, khiến chương trình không thể thoát cơn trọng bệnh quá tải.

Người viết bài này đã không dưới một lần đề xuất, cái cần tham khảo, học tập ở các nền giáo dục tiên tiến không phải là thao tác lập ra một nhóm nhà bác học, nhà nghiên cứu chỉ có khả năng độc quyền xào xáo, thống kê, sắp đặt một loạt kiến thức nào đó đưa vào chương trình mà thiết yếu, khách quan, công bằng, dân chủ hơn là cần tổ chức một cách rộng rãi (có thể tổ chức các cuộc thi) việc biên soạn chương trình, biên soạn sách giáo khoa trong toàn xã hội, trong ngành giáo dục, để ai có tài năng, có khả năng về lĩnh vực này đều được tham gia, từ đó chắc chắn sẽ chọn được một hoặc nhiều công trình tối ưu, được đại đa số nhân dân chấp nhận và đưa vào ứng dụng. Tôi tin, làm được vậy, một chương trình giáo dục tổng thể tốt, thích hợp và thực sự giảm tải, thực sự không quá tải sẽ ra đời.

Giảm tải là vấn đề của không chỉ ngành giáo dục trong một xã hội hiện đại với tốc độ phát triển chóng mặt về nhiều phương diện. Cái khác là, mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, hầu hết phải giải quyết vần đề quá tải trên thực tiễn cuộc sống đang diễn ra với quá nhiều khó khăn, thách thức (như ùn tắc giao thông; ô nhiễm môi trường; nợ công...) thì sự quá tải trong chương trình giáo dục cơ bản và trước tiên diễn ra trên giấy, việc khắc phục nó ít nhiều cũng dễ dàng hơn, nếu chúng ta biết cúi xuống lắng nghe, chia sẻ một cách thực lòng và kịp thời.

Nói một cách giản dị, mộc mạc theo triết lí dân gian: học một biết mười. Chương trình giáo dục đâu phải cái gì cũng đưa vào mà chỉ đưa những cái thiết yếu. Dạy cái thiết yếu dưới ánh sáng của nguyên lí dạy cho học sinh phương cách tự học, tự nghiên cứu là chính. Có thể chọn đưa vào chương trình của một lớp nào đó chỉ 1/3 hay 1/2 số văn bản văn chương đang có trong chương trình hiện hành (hay trong chương trình tổng thể mới), nhưng phải là những tác phẩm thực sự hay theo đánh giá của số đông (qua thao tác khảo sát rộng rãi để chọn). Dạy ít văn bản sẽ có điều kiện giúp học sinh học sâu, học kĩ (tăng số tiết), từ văn bản được học mà tự mình tiếp cận, tìm hiểu vô số văn bản khác trong quá trình đi học và trong suốt cuộc đời. Dạy theo tinh thần giảm tải/không quá tải như vậy, chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt để có những cách thức thi cử sáng tạo, mới mẻ hơn (ví dụ: văn bản trích trong đề thi hoàn toàn không nằm trong chương trình học, bài làm của học sinh đương nhiên không thể sao chép lời thầy hay văn mẫu). Tương tự, các môn khác cũng vậy.

Trong điều kiện của đất nước ta hiện nay, chỉ cần thực hiện được nội dung như một khẩu hiệu mà tên bài viết này đưa ra, chắc chắn Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ nhận được đồng thuận mạnh mẽ của toàn xã hội, nhất là của đội ngũ thầy và trò trong ngành giáo dục.

T.Đ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn