Giáo dục mầm non tiếp tục được đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng

Cập nhật ngày: 18/02/2023 05:30:15

ĐTO - Tạo điều kiện tốt để ngành học giáo dục mầm non (GDMN) phát triển, năm học 2022 - 2023, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN. Thông qua việc hoàn thiện hệ thống trường, lớp học, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại các đơn vị trường trong toàn tỉnh.


Trẻ học tại Trường Mầm non Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh tham gia hoạt động trải nghiệm trong khuôn viên trường

Thực hiện chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 và chương trình đảm bảo cơ sở vật chất cho GDMN, phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chủ động tham mưu chính quyền địa phương quan tâm ưu tiên dành quỹ đất cho cơ sở GDMN, đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp; sĩ số trẻ em/nhóm, lớp theo quy định tại Điều lệ trường mầm non; có đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu theo quy định. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 16 cơ sở GDMN được khởi công xây dựng mới với quy mô 115 phòng học, 180 phòng chức năng (không bao gồm các dự án chuyển tiếp), tổng kinh phí 129 tỷ đồng. Kết quả, có 67 phòng học, 188 phòng chức năng (các dự án chuyển tiếp) đã hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 13/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020. Ngoài ra, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cũng được trang bị đồng bộ và bổ sung cho các cơ sở còn thiếu thông qua Dự án mua sắm trang thiết bị mầm non giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2022, các ngành liên quan đã trang bị bổ sung thiết bị cho 78 cơ sở GDMN với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu dạy của giáo viên và học cho trẻ mầm non tại các đơn vị trường trong tỉnh. Tiếp tục lộ trình đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN, hiện tại, toàn tỉnh đã có 5 dự án trường mầm non đầu tư và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 267 tỷ đồng. Các dự án đầu tư xã hội hóa đã giúp tỉnh tiết kiệm được ngân sách nhà nước, huy động tốt nguồn lực xã hội cùng tham gia trong sự nghiệp giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, sự tham gia của tư nhân trong hoạt động giáo dục cùng với hệ thống trường công lập đã góp phần đa dạng hóa dịch vụ này, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, giá dịch vụ.

Sở GD&ĐT, phòng chuyên môn trực thuộc Sở luôn chú trọng công tác hỗ trợ về chuyên môn đối với GDMN, thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, hội thi, đào tạo nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên các đơn vị trường. Hàng năm, các cơ sở GDMN đều xây dựng kế hoạch và phát triển, phấn đấu trong từng giai đoạn để trường đạt và duy trì kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn Quốc gia; tổ chức tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài. Hiện tại, số trường mầm non được đánh giá ngoài 140 trường, đạt 80,46%, trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 trở lên là 110 trường đạt 63,22%, trường đạt chuẩn mức độ 2 là 55 trường, đạt 31,61%... Tại những địa phương có đủ điều kiện, các trường mầm non có đủ phòng học theo đúng quy định cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi; phòng học được xây dựng mới cho các lớp mầm non dưới 5 tuổi theo hướng kiên cố, bán kiên cố. 100% trường học xanh, sạch, đẹp, có đủ nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước, có nhà bếp, có đủ công trình vệ sinh đạt yêu cầu; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp mẫu giáo 5 tuổi. Trong thời gian tới, đối với những địa phương còn gặp khó khăn trong việc đầu tư, phát triển GDMN, Sở GD&ĐT tiếp tục cùng với các ngành khảo sát, xem xét phối hợp cùng với UBND các huyện, thành phố ưu tiên đầu tư, triển khai, thực hiện các dự án về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học dành cho GDMN.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn