Tháp Mười
Hiệu quả thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
Cập nhật ngày: 19/04/2017 09:36:41
ĐTO - Từng bước đầu tư, mở rộng mạng lưới trường, lớp, hoàn thiện đội ngũ giáo viên, phối hợp hiệu quả việc huy động học sinh (HS) ra lớp, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục... là những giải pháp được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Tháp Mười thực hiện để hoàn thành các mục tiêu phổ cập, xóa mù chữ.
Học sinh Tháp Mười tham gia thi tuyển
Huyện Tháp Mười đã ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông. Hiện nay, mạng lưới trường, lớp ở huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân với 19 trường mầm non công lập, 3 trường Mầm non tư thục, 2 trường Tiểu học và THCS, 31 trường Tiểu học, 13 trường THCS, 5 trường THPT, 1 trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên; 13/13 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng. Toàn huyện không có phòng học tạm.
Sau nỗ lực của chính quyền, ngành giáo dục và người dân, huyện đã có mạng lưới trường chuẩn Quốc gia với 6 trường Mầm non, 9 trường Tiểu học, 7 trường THCS, 2 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Trong năm 2016, toàn huyện có 10/13 xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 3 xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù mức độ 1 với tỷ lệ người biết chữ đạt trên 99%; 10 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi với tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, trẻ hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 98%. Đối với phổ cập giáo dục THCS, vẫn duy trì với tỷ lệ xóa mù chữ đạt trên 99%. Các xã, thị trấn đã đạt 4 tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học gồm thị trấn Mỹ An, các xã Mỹ Quý, Mỹ Đông, Thanh Mỹ, Phú Điền, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Đốc Binh Kiều, Tân Kiều. Số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS năm 2016 đạt 98,32%.
Người dân địa phương rất quan tâm đến việc học của con em. HS được gia đình tạo mọi điều kiện để đến trường hoàn thành chương trình học tập. Phụ huynh HS liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm thông tin tình hình học tập của các em HS. Những trường hợp HS có ý định nghỉ học, bỏ học được giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tìm hiểu, liên hệ gia đình, trực tiếp đến nhà để vận động có hướng giúp các em tiếp tục đến trường. Đối với những em HS có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu kém, Hội Khuyến học huyện, Ban Đại diện cha mẹ HS các trường xem xét giúp đỡ. Năm học 2015-2016, kinh phí hỗ trợ từ xã hội hóa giáo dục hơn 3 tỷ đồng, dùng mua sắm trang thiết bị dạy học, khen thưởng, trao học bổng, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn. Các em HS học yếu kém có ý chí vươn lên trong học tập cũng được ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Trường THPT Phú Điền là một trong những điểm trường hoạt động tốt trong việc giúp đỡ HS. Dù đa số phụ huynh HS làm ruộng, vườn nhưng mỗi năm học, Ban Đại diện cha mẹ HS đều ủng hộ quyên góp để giúp đỡ, khen thưởng những em HS có thành tích tốt trong học tập...
Có thể nói việc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục là một nỗ lực lớn của địa phương, ngành GD&ĐT huyện. Tuy nhiên, việc duy trì chuẩn trong thời gian tới là không đơn giản. Huyện Tháp Mười tiếp tục mở rộng mạng lưới trường, lớp hướng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục; sẽ tuyển sinh hết số HS 6 tuổi vào lớp 1, HS hoàn thành chương trình Tiểu học sẽ vào học các trường THCS; tiếp tục huy động các đối tượng trong độ tuổi phổ cập đang ở ngoài nhà trường vào học ở các lớp bổ túc, lớp giáo dục thường xuyên trong các trường THCS, THPT, Trung cấp nghề. Mỗi đơn vị trường, xã, thị trấn phân công giáo viên phổ cập giáo dục quản lý, nắm số liệu, xây dựng kế hoạch điều tra đối tượng trong độ tuổi để mở lớp theo địa bàn phù hợp với điều kiện học tập của người học. Các trường có kế hoạch bồi dưỡng HS yếu, kém, nguy cơ bỏ học, nghỉ học;...
C.Phương