Mô hình trường học mới
Hướng học sinh đến kỹ năng tự học
Cập nhật ngày: 13/07/2016 13:30:58
ĐTO - Từ năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, tham gia dự án mô hình trường học mới. Mô hình này hướng đến mục tiêu giảm áp lực về điểm số, giúp học sinh (HS) mạnh dạn hơn trong giao tiếp, thể hiện tính tự quản, tự học, rèn luyện kỹ năng sống.
Giờ ăn trưa của học sinh học 2 buổi/ngày
Hiện toàn tỉnh có 12/12 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai mô hình trường học mới với 25 lớp học và 926 HS đang theo học tại cấp Tiểu học, lớp 6. Đối với cấp Tiểu học, mỗi trường tham gia mô hình trường học mới có đủ trang thiết bị cần thiết, học 2 buổi/ngày, bàn ghế được xếp theo từng nhóm, có nội quy học tập, góc học tập, sơ đồ cộng đồng, theo dõi chuyên cần, hộp thư, trưng bày sản phẩm, bảng thi đua. HS được trang bị tài liệu, sách giáo khoa đầy đủ, các kênh hình trong tài liệu nhiều màu sắc đẹp, phù hợp với HS Tiểu học. Giáo viên (GV) thường xuyên nghiên cứu tài liệu như logo, câu lệnh, tài liệu học tập để hướng dẫn HS.
Sở GD&ĐT cũng thành lập Ban Thường trực chỉ đạo, điều hành mô hình. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ tích cực mọi mặt để các trường Tiểu học, THCS thực hiện mô hình; tổ chức cho GV tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá, thiết kế không gian lớp học, dự giờ rút kinh nghiệm... Năm học 2015-2016, mỗi Phòng GD&ĐT phụ trách đăng cai 1 đợt sinh hoạt chuyên môn. 100% các Phòng GD&ĐT đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm đối với mô hình trường học mới. Mỗi huyện, thị xã, thành phố đều chọn các trường đủ điều kiện để thực hiện thí điểm, cung cấp tài liệu cho HS, GV, hỗ trợ trưng bày góc học tập, làm đồ dùng dạy học tạo tâm thế tốt cho GV giảng dạy, HS học tập. Hầu hết các trường đều đáp ứng cơ sở vật chất, các lớp học có sĩ số dưới 40 HS. Không gian học tập được GV chủ nhiệm, bộ môn chăm chút với những sản phẩm tự thiết kế của GV, không khí học tập thân thiện. HS được tham gia các hoạt động tập thể và các em có thể nhớ bài học tại lớp, không phải ghi chép nhiều.
Theo Sở GD&ĐT, điểm nổi bật của mô hình trường học mới chính là sự thay đổi về phương pháp giảng dạy. GV lấy HS làm trung tâm, tổ chức học theo nhóm, tự quản lý nhóm. GV có thời gian nghiên cứu tài liệu, nội dung học tập, chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi dạy. Để đứng lớp tốt hơn, GV buộc phải hiểu sâu bài, giải quyết tốt các tình huống trong quá trình giảng dạy, học tập. Bên cạnh những thuận lợi, mô hình vẫn còn bộc lộ hạn chế như: bàn ghế thiết kế trong lớp học chưa phù hợp theo hình thức dạy học, làm cho HS khó xoay chuyển trong hoạt động toàn lớp; diện tích phòng học còn hẹp, chưa đủ chỗ cho HS tổ chức trò chơi khởi động; nội dung bài học dài, HS còn rụt rè nhút nhát, HS khá giỏi tiếp thu bài học theo phương pháp mới nhanh, còn những HS học lực yếu lại khá thụ động khi học tập; HS chưa thành thạo làm việc theo cặp đôi, theo nhóm; phụ huynh HS còn khá lúng túng trong việc hướng dẫn các em làm bài tập thêm khi ở nhà, vì học theo phương pháp mới các em hiểu bài ngay tại lớp nên về nhà ít học bài; phụ huynh lo lắng khi các em tham gia đội tuyển HS giỏi hay tuyển sinh vào lớp 10;...
Trong năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT có kế hoạch tổ chức sớm mô hình trường học mới, chuẩn bị tài liệu hướng dẫn để các đơn vị chủ động trong việc thực hiện, tập huấn GV môn Tiếng Anh, tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý, GV các bộ môn, GV chủ nhiệm; hướng tới mở rộng mô hình trường học mới trong những năm tiếp theo;... Đồng thời, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng tăng cường truyền thông mô hình trường học mới để người dân góp ý, tham gia mô hình...
C.Phương