Việc làm hay tấm bằng?

Cập nhật ngày: 10/07/2016 07:01:52

Một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia vừa mới kết thúc, chính là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đã giảm xuống. Động thái này phần nào cho thấy, nhiều em đã tỉnh táo hơn trong chọn lựa lối vào đời. Nhưng để tận dụng thời cơ từ cơ cấu dân số vàng, thì còn cần thêm những quyết sách thúc đẩy việc làm cho thanh niên từ các cơ quan chức năng.


Nhu cầu tìm kiếm việc làm của thanh niên Việt Nam rất lớn

Bằng mọi giá phải… vào đại học?

Đôi bạn trẻ Lê Văn Chí và Hoàng Thị Thuần ở xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi, Hưng Yên) là một trong những điển hình vượt khó. Ngay từ năm 2003 cả hai vốn chỉ đủ sức “đỗ trung cấp” như lời Chí nói, luôn đặt mục tiêu phải vào được đại học. Trầy trật cho đến năm 2005 cả hai mới thi đỗ. “Chúng em yêu nhau nên bảo nhau cùng cố gắng. Có điều, học kế toán ra trường mãi chẳng thể kiếm đâu được công việc ổn định”,- Chí nói.

Không tìm được việc ở Hà Nội, Chí và Thuần cưới nhau, rồi bàn cách buôn bán đưa rau sạch từ quê ra bán nhưng cũng không trụ được lâu. Khó quá, đành tính nước dắt díu nhau về Hưng Yên xin làm công nhân. Hoàng Thị Thuần cho biết: Có ước mơ nhưng giới trẻ chúng em vô cùng khó có được cơ hội việc làm. Trong xã em, gần chục cô cậu gác bằng đại học về làm ruộng!

Không kém phần chua chát, Nguyễn Văn Thúy, quê ở xã Mỹ Hà (Lạng Giang, Bắc Giang), có gia cảnh khó khăn nhưng cũng theo “phong trào” ở vùng quê, muốn đổi đời thì… phải thi đỗ vào đại học. Cầm bằng trong tay rồi, mà lận đận mãi chưa tìm được công việc. Thúy đành lần hồi kiếm sống và tính cố học thạc sĩ để sau này biết đâu có cơ hội…!? Lớp cao học của Thúy có hơn 70 người, thì tới 1/3 là sinh viên ra trường chưa có việc.

Tôi hỏi Thúy, liệu sau khi có bằng thạc sĩ, em có tự tin mình xin được việc? Thúy lặng đi không nói. Rồi em chợt cười: “Em cũng biết nhiều bạn phải giấu bằng cử nhân, thạc sĩ để đi làm… công nhân. Cậu em trai em đang thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Chắc em phải giúp nó định hướng lại. Bản thân em đã lãng phí bốn năm rồi, em nó lãng phí nữa thì thành ra lãng phí kép”.

Lớp trẻ trăn trở vậy, còn các bậc phụ huynh ở quê nghèo, cố gắng cho con ăn học đại học để đổi đời giống như một sự liều, cầu may rủi vậy. Bà Nguyễn Thị Miến, xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) đến giờ vẫn bần thần vì có con trai “góp mặt” vào danh sách thất nghiệp. Bà Miến tâm sự, giá kể cứ để con đi làm công nhân từ đầu thì đến nay bà đã chẳng ôm cục nợ cả trăm triệu đồng, không biết trả cách nào.

“Lắng nghe” nhu cầu cuộc sống

Tiếc thay, những trường hợp kể trên chẳng phải cá biệt. Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào đầu năm 2016 cho thấy, có tới hơn 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ không có việc làm. Gần đây nhất, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã khảo sát 3.000 sinh viên, trong chương trình “Sinh viên và cơ hội việc làm” cho thấy, có tới 70% sinh viên chưa có định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp sau khi ra trường. Em Bùi Văn Dân, một sinh viên sắp ra trường tâm sự: “Sắp ra trường rồi, em học ngành sử, chẳng biết sẽ xin việc ở đâu. Còn em gái em nữa, cũng đang học năm thứ nhất, chắc sẽ tùy điều kiện mà tính việc!”.

Không ít gia đình ở làng quê đã ngộ ra và thấm thía cái giá của việc lao theo bằng cấp mà không tính đến năng lực, điều kiện và hoàn cảnh. Bởi thế tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… mấy năm nay rất nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông xin đi làm công ty mà không đăng ký xét tuyển đại học.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Dạy nghề cho biết: Các em bây giờ cứ chạy theo phong trào đi học đại học, nhưng sau khi học xong vẫn phải… đi làm công nhân, hoặc thất nghiệp. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực trẻ, lãng phí tiền của gia đình và xã hội. Đây là một bài toán khó cần giải từng bước.

Rõ ràng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, đặc biệt là thanh niên có bằng cấp đại học, thạc sĩ… thất nghiệp cao cho thấy sự bất cập trong chính sách phát triển việc làm, phân luồng giáo dục của Việt Nam hiện nay. Mà đây lại là những điểm quan trọng trong việc tận dụng cơ cấu dân số vàng. Vậy thì, bài toán khó như lời ông Sâm nói sẽ phải giải quyết thế nào? Khâu mấu chốt có lẽ nằm ở quá trình hướng nghiệp, phân luồng, hướng học sinh theo học nghề.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm việc làm Thanh niên Hà Nội đưa ra lời khuyên, cần biết lắng nghe nhu cầu của đòi hỏi cuộc sống. Xã hội cần người làm được đúng việc, chứ không phải là cần những tấm bằng cử nhân!

Người dân có chuyển đổi nhận thức là điều quan trọng. Nhưng vai trò của quản lý Nhà nước là không thể phủ nhận trong việc đưa ra những chính sách giáo dục và đào tạo nghề thống nhất, và đồng bộ từ các cấp học phổ thông để tạo nên nguồn cung lao động trẻ có chất lượng cao phục vụ tốt nhu cầu tăng tốc phát triển của nền kinh tế.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp đã tăng dần. Năm 2015 là 279.001 em; năm 2016 là 292 nghìn em dù số học sinh lớp 12 giảm hơn 71 nghìn em... Điều này phần nào cho thấy, việc phân luồng, định hướng học sinh bước đầu có hiệu quả.

T.THÀNH (DIÊN KHÁNH/NDĐTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn