Những “chuyến đò” đặc biệt…
Cập nhật ngày: 27/02/2024 10:10:55
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối tháng 11, tôi có dịp đến thăm và nghe về câu chuyện nghề, chuyện đời của những thầy, cô ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp (TP Sa Đéc). Một ngôi trường với những học sinh đặc biệt, những lớp học không có sự sôi động vốn có, nhưng ở đó đầy ắp tình yêu thương, sự sẻ chia của những người “đưa đò” thầm lặng với những em học trò chịu nhiều thiệt thòi. Bằng tất cả lòng nhiệt huyết và trái tim đầy tình yêu thương, các thầy, cô đã biến mọi nhọc nhằn thành niềm vui, giúp những bông hoa “khuyết cánh” có cơ hội “tỏa hương” giữa đời.
Vượt qua mọi rào cản
Tôi đến trường vào khoảng 9 giờ sáng, đón tôi bằng nét mặt hiền lành và nụ cười tươi tắn của cô Hiệu phó Nguyễn Thụy Dao Chương. Đưa tôi đến lớp các thầy, cô đang dạy, cô Chương cho biết, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp được thành lập từ năm 1993, hiện nay, trường có khoảng 250 học sinh là những em có hoàn cảnh đặc biệt như: khiếm thính, khiếm thị, bệnh down, chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động …
Dạy một học sinh bình thường đã khó, làm nghề “đưa đò” với những học sinh khuyết tật lại khó khăn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết để trở thành một giáo viên ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật chính là lòng yêu nghề, mến trẻ. Tại ngôi trường này, không chỉ có trách nhiệm giữa thầy, cô giáo đối với học trò mà còn có cả sự yêu thương, tình cảm gắn bó như những người cha, người mẹ, người bạn đồng hành của trẻ - cô Chương nói.
Cô Nguyễn Huỳnh Thu Thủy giúp học sinh cảm nhận trực tiếp độ rung của âm thanh phát ra
Từ một người làm công tác văn thư tại trường rồi chính tình yêu với các em học sinh khuyết tật, cô Nguyễn Huỳnh Thu Thủy đã quyết định học lấy bằng Cử nhân Giáo dục tiểu học để bắt đầu hành trình đưa những “chuyến đò” đặc biệt.
18 năm công tác tại trường, cô Thủy chia sẻ, dạy trẻ khuyết tật là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nắm bắt tâm lý và hơn hết là tấm lòng yêu nghề, yêu thương học sinh, luôn xem các em như người thân của mình nên phải có trách nhiệm chăm lo, che chở, nuôi dạy các em.
Không giống với môi trường học tập cho những học sinh bình thường, học sinh của trường được học tập với chương trình, nội dung phù hợp để đáp ứng nhu cầu hoạt động, vui chơi, học tập theo khả năng của trẻ. Với cô Thủy là giáo viên dạy học sinh khiếm thính lớp nhỏ nên cũng có những phương pháp rất riêng biệt: “Tôi ưu tiên việc rèn cấu âm, cấu hình, luyện giọng, luyện thở, nhất là trực quan. Ví dụ như khi hướng dẫn cho các em đọc thì tôi cầm tay các em đặt vào cổ của mình và ngược lại để các em cảm nhận được độ rung của âm thanh phát ra. Từ đó, giúp các em cảm nhận và dễ hiểu nội dung tôi truyền đạt hơn” – cô Thủy chia sẻ.
Cô Võ Thị Kim Hiếu cầm tay hướng dẫn từng trẻ viết chữ cái
Rời lớp cô Thủy, cô Hiệu Phó đưa tôi đến lớp học của những trẻ khuyết tật trí tuệ nằm ngay trên tầng 1, lớp có 11 học sinh, do cô Võ Thị Kim Hiếu chủ nhiệm lớp. Khi tôi đến, cô Hiếu đang cầm tay hướng dẫn từng trẻ viết chữ cái. Cô vừa hướng dẫn vừa khen ngợi, khích lệ khi các em viết được những nét chữ ngay ngắn. Trẻ nào chưa tự giác viết bài, cô lại vỗ về, động viên bằng ánh mắt trìu mến, lời nói nhẹ nhàng.
Với 17 gắn bó với mái trường, cô Hiếu chia sẻ: “Những chuyện bi hài luôn đến với các thầy, cô khi đã dấn thân dạy dỗ các em. Không ít lần giáo viên bị học trò cắn vào tay, có em đang vui vẻ bình thường bất ngờ la hét, khóc, cười vô thức hay vơ đồ ném vào cô và các bạn cùng lớp rồi tự lăn ra ăn vạ…”.
Để chăm sóc được các em, những giáo viên nơi đây phải xem các em như con cái của mình. Có những học sinh việc vệ sinh thân thể, đi giày dép, mặc quần áo, tự lực bản thân các em vẫn chưa ý thức được và còn vô vàn khó khăn mà có lẽ chỉ ở ngôi trường này mới thấy – cô Hiếu bồi hồi chia sẻ.
Lớp khuyết tật trí tuệ 2.2 với 8 em học sinh do cô Nguyễn Thị Thu Truyền chủ nhiệm
Ở một lớp học cho trẻ khuyết tật trí tuệ khác, tôi gặp được cô Nguyễn Thị Thu Truyền đã có 14 năm làm công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật. Cô Truyền chia sẻ với tôi về cơ duyên gắn bó với mái trường đặc biệt này: “Trong một lần đi làm công tác xã hội tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, tôi được tiếp xúc trực tiếp với các học sinh nơi đây và đã khiến tôi càng thêm yêu, thêm thương các em và lúc đó tôi đã có ý nghĩ về đây công tác. Vậy là khi tốt nghiệp tôi quyết định chọn về đây giảng dạy cho đến nay. Gần 14 năm công tác, đồng hành cùng nhiều thế hệ học trò, tôi nhận ra, các em dù có nhiều khiếm khuyết về giác quan, song lại rất nhạy cảm và tình cảm”.
Trong năm học này, cô Truyền phụ trách lớp khuyết tật trí tuệ 2.2 với 8 em học sinh, mỗi em học sinh là một dạng khuyết tật khác nhau, có em tự kỷ, có em tăng động, có em chậm phát triển trí tuệ. Do đó, để giúp các em tiến bộ, giáo viên cần có kiến thức và sự kiên trì, hiểu tâm lý, ngôn ngữ lời nói và hành vi của trẻ. Muốn làm được điều đó giáo viên cần phải quan tâm, chia sẻ và tạo được niềm tin động lực cho các em. Tuy rất khó khăn, nhưng theo cô Truyền chỉ cần đến với các em bằng tình thương và tấm lòng, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
Dẫu biết rằng có muôn vàn khó khăn nhưng với tất cả thầy, cô của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan, niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ là bao nhiêu khó nhọc đều có thể vượt qua. Bởi, thầy cô luôn tin rằng, mỗi ngọn nến được thắp lên dù là thẳng hay cong thì đều sẽ cháy sáng lung linh.
Dạy học bằng “trái tim” đầy tình yêu thương
Dạy và yêu trẻ khuyết tật bằng tấm lòng rộng mở và trái tim đầy tình yêu thương đó là chia sẻ chân thành và cảm động của cô Lê Kim Lài và thầy Lương Đức Tài.
Nhiều kỷ niệm khó phai với cô Lê Kim Lài trong 5 năm gắn bó với mái trường đặc biệt
Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Đồng Tháp vào năm 2009, cô Kim Lài đến công tác tại một trường tiểu học. Trong một lần có dịp đến thăm và gặp gỡ học sinh khiếm thính rồi thấy thương, muốn được sẻ chia nên cô quyết định chuyển công tác về dạy tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp từ năm 2018 đến nay.
5 năm công tác tại trường, cô Kim Lài đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với các em. “Hải Long thương nhớ cô Lài, con chúc cô sức khỏe, vui vẻ, xinh đẹp” đó là bức thư của một học trò viết gửi tặng nhân ngày 8/3. Cầm lá thư trên tay, tôi đã rơi nước mắt vì hạnh phúc, bởi với tôi, đó chính là trái ngọt sau biết bao công sức và hy vọng với những học trò đã chịu rất nhiều thiệt thòi - cô Kim Lài xúc động kể.
Thầy Lương Đức Tài: Dạy học trò bằng ngôn ngữ của “trái tim” yêu thương
Còn với thầy Lương Đức Tài (SN 1996) là một giáo viên trẻ, sau khi tốt nghiệp năm 2018 thì về công tác tại trường, đến nay đã được 5 năm. Thầy Tài chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ những ngày chập chững bước vào nghề, khi thực tế chèo lái những chuyến đò rất đặc biệt này mới thấu hiểu được hết những gian nan, vất vả. Nhưng trên tất cả, khi nhìn thấy nụ cười, niềm vui của các em, tôi càng có thêm động lực”.
Bằng lòng yêu nghề và tình yêu trẻ, thầy Lương Đức Tài đã không ngừng nỗ lực với nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, điển hình là xây dựng thành công kênh Youtube “Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp” để cập nhật những video tiết dạy, những video hướng dẫn ngôn ngữ ký hiệu, video hướng dẫn giáo viên của tổ và của trường thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến các thiết bị số.
Thầy Tài mong muốn sẽ tiếp tục là cầu nối khởi nguồn động lực để các em học sinh ngày một tiến bộ trong học tập, vượt qua mặc cảm khuyết tật, tự tin hòa nhập vào cộng đồng. Bản thân sẽ không chỉ dạy các em học sinh khiếm khuyết bằng ngôn ngữ ký hiệu mà còn lan tỏa cả tinh thần nhiệt huyết, sự thấu hiểu, sự chia sẻ dạy học trò bằng ngôn ngữ của “trái tim” yêu thương – Đức Tài nói.
Cô Nguyễn Thụy Dao Chương - Phó Hiệu trưởng Trường cho biết thêm, ngoài việc dạy trẻ kiến thức, kỹ năng phục vụ cuộc sống hằng ngày, trường còn có lớp dạy nghề kết hạt cườm cho các em, với mong ước khi có đủ năng lực các em có thể tự lập, nuôi sống bản thân, chủ động trong cuộc sống.
Với những người “đưa đò” đặc biệt ở mái trường này, hành trình 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc hơn thế, rất nhiều thầy cô chưa từng được nghe một lời chúc tròn tiếng của học trò, nhưng trên tất cả, sự tự tin và khôn lớn từng ngày của học sinh là nguồn động lực để những người “lái đò” tiếp tục chèo lái con đò đi xa. Với mỗi học sinh của trường, thầy cô như người nhóm lửa, nhóm lên ngọn lửa tự tin thắp sáng chính cuộc đời mình.
Việt Tiến