Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu

Cập nhật ngày: 18/11/2023 05:24:23

Chiều 17/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các nhà giáo tiêu biểu (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp, Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đến các nhà giáo.

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, đến dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa...


Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã chia sẻ về niềm tự hào đối với nghề giáo. Nhiều thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã luôn nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của sự nghiệp trồng người cao cả.

“Tôi vẫn luôn tự hào về ngành học mà tôi đã chọn, chỉ mong rằng tất cả những đồng nghiệp thân yêu của tôi, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục cống hiến, tận tụy với nghề”, cô giáo Dương Thị Diến, sinh năm 1988, dân tộc Tày, ở Bắc Kạn bày tỏ. Cô mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhà giáo bằng những chính sách phù hợp với tính chất công việc đặc thù, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới tất cả các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh trên cả nước nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Với tình cảm chân thành, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các thầy cô giáo có mặt tại buổi gặp mặt và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.


Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu, chiều 17/11 ( Ảnh: VIẾT CHUNG)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam. Ngay từ những bước đi đầu tiên trong quá trình trưởng thành, các thế hệ người Việt Nam đều biết và ngày càng thấu hiểu sâu sắc những câu ca dao, tục ngữ về công ơn của các thầy cô giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục luôn tồn tại, phát triển cùng đất nước, đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà.

Thủ tướng cũng nêu rõ, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển GD-ĐT. Thủ tướng cũng khẳng định, nền giáo dục nước ta đã đạt được những kết quả đáng tự hào, trong đó có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo.

Qua những chia sẻ chân thành, xúc động của các thầy, cô về chuyện đời, chuyện nghề, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó của các thầy, các cô giáo trong suốt những năm qua, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước ta trong những năm qua.


Cô giáo Dương Thị Diến, sinh năm 1988, dân tộc Tày, ở Bắc Kạn (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển GD-ĐT trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác GD-ĐT, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" nhưng phải hợp lý và hiệu quả.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhà giáo là đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh chỉ được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy cô có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh.

Thành công của giáo dục không phải là nhồi kiến thức cho đầy, không chỉ là tạo ra những chuyên gia giỏi mà là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đổi mới sáng tạo, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... hãy cùng nhau chung tay, chung sức, sát cánh với ngành GD-ĐT, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện với tinh thần thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời.

Theo PHAN THẢO (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn