Xin "đúp lớp"

Cập nhật ngày: 07/10/2016 11:13:10

Thông tin về một học sinh ở trường tiểu học Lý Đạo Thành (TP Sóc Trăng) bị nhà trường cấp THCS trả lại trường cũ để học lại từ lớp 1 vì em vẫn chưa biết đọc, biết viết, không làm được phép tính... đã khiến xã hội không biết nên cười hay khóc.


Ảnh minh họa: T.H

Trong buổi họp phụ huynh cuối năm ngoái tại một trường tiểu học thuộc quận trung tâm của thành phố, tất cả phụ huynh ngỡ ngàng như không tin vào tai mình khi nghe cô giáo thông báo lớp có 2 bạn sẽ ở lại lớp 1 mà không tiếp tục lên lớp 2. Dường như không ai tin vào tai mình cả bởi đã lâu lắm rồi không ai còn nghe thấy điều này trong báo cáo cuối năm học, nếu có thì loáng thoáng như ở vùng sâu vùng xa nào đó, chứ làm gì có chuyện học sinh không qua được lớp 1 ngay giữa Thủ đô. Cô giáo phải nhắc lại rằng đây là sự thật, và dù điều này ảnh hưởng đến thi đua của lớp nhưng cô và nhà trường quyết định sẽ không chạy theo thành tích bằng việc đưa các cháu chưa đạt lên lớp.

Ngạc nhiên là phải thôi bởi bao năm qua, phụ huynh và xã hội đã quá quen với việc năm học nào kết thúc cũng có báo cáo thành tích 100% được lên lớp, đa phần các cháu xếp loại học sinh giỏi, tiên tiến, hãn hữu có đôi ba cháu trung bình (theo xếp loại trước đây đối với học sinh tiểu học). Cháu nào không hoàn thành xuất sắc thì cũng ở mức đạt để lên lớp như chuyện đương nhiên.

Cô giáo tế nhị không nêu tên cháu bé, động viên gia đình sâu sát với cháu hơn để có kết quả tốt trong năm học sau. Tất nhiên đây là một việc không vui đối với cá nhân cháu bé và gia đình cháu, ai cũng tiếc cho khoảng thời gian một năm học của cháu bé nhưng các phụ huynh đều tán thành quan điểm đánh giá đúng thực chất của nhà trường. Đối mặt với quyết định này, hẳn là gia đình cháu bé, cô giáo và nhà trường thật sự nên được xếp loại “giỏi”.

Hiện tượng học sinh không đạt yêu cầu về học lực, chưa đáp ứng các kiến thức của năm học mà vẫn tiếp tục lên lớp không phải vừa mới xuất hiện mà đã diễn ra từ nhiều năm qua. Mặc dù được gọi nhẹ nhàng là “ngồi nhầm chỗ” hay chỉ thẳng ra là “bệnh thành tích” hay “bệnh đã yếu kém còn gian dối”…nhưng dường như “bệnh” đã chẩn mà thuốc vẫn chưa có để chữa. Cách đây cả chục năm, Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục” cũng là do nhận thức được sự trầm trọng của nhiều hiện tượng chạy đua theo thành tích một cách không thực chất mà một trong những biểu hiện nóng nhất, xảy ra ở tất cả các tình thành trong cả nước là hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Mặc dù vậy, đến nay, hiện tượng đó vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Và điều này khiến chúng ta có được “kỳ tích” trong năm học vừa qua là một học sinh học đến lớp 6 mà không thể đọc viết. Thông tin về một học sinh ở Trường tiểu học Lý Đạo Thành (TP Sóc Trăng) bị nhà trường cấp THCS trả lại trường cũ để học lại từ lớp 1 vì em vẫn chưa biết đọc, biết viết, không làm được phép tính… đã khiến cả xã hội không biết nên cười hay khóc.

Tất nhiên, căn bệnh thành tích dễ dàng được chỉ ra ở đây, bởi theo lãnh đạo nhà trường phân trần, đây là trường đã đạt chuẩn quốc gia từ 4 năm trước. Hằng năm, để xét lên lớp, nhà trường cũng tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo quy định nhưng để xảy ra hiện tượng này là do nhà trường đã quá tin tưởng giáo viên, bên cạnh đó cũng là do việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường chuẩn quốc gia, thường cuối năm, mỗi lớp, học sinh lưu ban gần như không được quá một em.

Nếu nói hiện tượng đáng xấu hổ này do giáo viên thì cũng có phần đúng. Có thể nguyên nhân các em “ngồi nhầm” một phần do giáo viên không phát hiện kịp thời học sinh học kém hoặc có phát hiện nhưng vì áp lực thành tích hoặc tác động nào đó mà không có phương pháp giúp đỡ ngay và cứ để các cháu lên lớp. Nhưng cũng có giáo viên phân trần rằng hơn ai hết giáo viên là người hiểu rõ học sinh nào nhầm chỗ vì trong cả quá trình học tập, khó có thể xảy ra trường hợp giáo viên không nắm bắt được năng lực của học sinh. Nhưng đôi khi có muốn đặt các em đúng chỗ thì cũng lực bất tòng tâm vì cô không phải là người toàn quyền quyết định. Do vậy, cũng không thể đổ hết lỗi cho giáo viên.

Những đánh giá, kiểm tra chỉ là hình thức nếu thầy cô chỉ làm cho có, hoặc vì thành tích, danh hiệu mà lờ đi sự yếu kém của học sinh là đáng lên án. Về phía học sinh, có học sinh giỏi, có học sinh kém là chuyện rất bình thường, không thể trách các em được. Thế nhưng trong khi lỗi là ở phía giáo viên, nhà trường thì học sinh dù không có lỗi nhưng sẽ là người hứng chịu mọi hậu quả. Các em học không đạt có thể mất một năm để học lại nhưng nếu bị đẩy lên quá sức mình, từ năm này sang năm khác thì có lẽ suốt quãng đời học sinh sẽ phải vẹo vọ trong một vị trí không vừa với mình, kiến thức thì cứ hổng mãi. Đây là thiệt thòi về lâu dài trong cả quá trình sau này đối với các em. Rõ ràng khi học sinh học yếu, chưa đủ điều kiện để tiếp nhận kiến thức cao hơn thì việc đẩy các em lên lớp để lấy thành tích là làm hại học trò. Các em cần được có quyền tiếp nhận những thứ vừa vặn với bản thân và sống với những điều chân thực.

Có lẽ nhận thức được điều này, một số phụ huynh thay vì chạy cho con lên lớp, hay bỏ mặc việc nhà trường ép học sinh lên lớp thì đã xin cho con ở lại lớp. Sau trường hợp học sinh ở TP Sóc Trăng từ lớp 6 xuống học lại lớp 1, một số phụ huynh ở một huyện của tỉnh Sóc Trăng đã viết đơn xin cho con học lại lớp 1 vì các em chưa đọc thông viết thạo.

Khi cô em họ tôi - niềm tự hào của gia đình vì cô luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường suốt những năm học phổ thông, là sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Ngoại thương và hiện đang làm cho một công ty tầm cỡ toàn cầu - thông báo với họ hàng con trai cô năm nay học lại lớp 1 thì ngay lập tức ai cũng cho rằng cô nói đùa. Sau đó, cho rằng đây là sự việc nghiêm trọng, mọi người đã trách rằng chắc hẳn do cô em tôi không bỏ công chăm sóc kỹ cô giáo chứ thời này ai lại để xảy ra việc đó.

Cô em tôi chỉ bảo: "Cả nhà nghĩ rằng để cho cháu được học lại là dễ sao? Cũng phải xin đó ạ"! 

HIỀN LÊ/NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn