Chất lỏng rỗ đầu tiên trên thế giới
Cập nhật ngày: 13/11/2015 12:17:53
Chất lỏng nhiều lỗ do các nhà nghiên cứu ở Bắc Ireland phát minh có thể được ứng dụng để thu khí CO2 từ các ngành công nghiệp, giúp giảm mạnh ô nhiễm.
Hình minh họa cấu trúc của chất lỏng rỗ mới được phát minh
Theo UPI, nhóm nghiên cứu tại Đại học Queen, Belfast, Bắc Ireland, đã tạo ra chất lỏng rỗ với nhiều lỗ bên trong. Trước đây, các nhà khoa học vật liệu mới chỉ cho ra đời những vật liệu cứng có lỗ. Tuy nhiên, chất lỏng rỗ không có nguồn gốc tự nhiên.
Để tạo ra vật liệu mới, các nhà nghiên cứu ráp nhiều phân tử lại với nhau để tạo ra một chất lỏng không thể lấp đầy hoàn toàn không gian trống. Phân tử chất lỏng liên kết với nhau theo cách lưu lại các lỗ. Những lỗ này cho phép chất lỏng hấp thụ và phân giải khí hiệu quả hơn.
Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của chất lỏng rỗ là phục vụ quá trình thu khí CO2 từ các nhà máy điện và các ngành công nghiệp thải khí khác.
"Chúng tôi cần nghiên cứu thêm vài năm nữa, nhưng nếu có thể ứng dụng chất lỏng rỗ này, đây sẽ là tiền đề cho các quy trình xử lý hóa chất mới", Stuart James, giáo sư tại Trường Công nghệ Hóa chất và Hóa học tại Đại học Queen, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ trên tạp chíNature.
"Ít nhất, chúng tôi đã chứng minh một quy tắc cấu tạo mới. Đó là bằng cách tạo ra lỗ trong chất lỏng, chúng ta có thể tăng đáng kể lượng khí mà chất lỏng phân giải. Đặc tính này sẽ mang đến những ứng dụng thú vị trong dài hạn", James chia sẻ.
VNE