Dự án xây nông trang thu nước trên sao Hỏa
Cập nhật ngày: 14/12/2015 10:42:35
Các phi hành gia lên sao Hỏa trong tương lai có thể không phải lo lắng về chuyện nước dùng trên hành tinh Đỏ nữa, vì một nông trang thu nước dự kiến sẽ được triển khai trên bề mặt Hỏa tinh năm 2018.
Mô hình nông trang thu ẩm của các nhà khoa học Thụy Điển. Ảnh: Phys.org
Theo RT, nông trang thu ẩm là một phần của nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa ExoMars năm 2018. ExoMars là dự án hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga. Nông trang này sử dụng các thiết bị nhỏ có tên gọi là HABIT, sử dụng muối để hút 5 ml nước từ không khí mỗi ngày.
Các nhà khoa học quyết định triển khai nhà máy này, sau khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố tồn tại nước lỏng dưới bề mặt sao Hỏa vào ban đêm, và bay hơi vào ban ngày.
Mỗi gói HABIT có thể trữ được tối đa 25 ml nước. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng nông trang nước tí hon này hoàn toàn có thể được mở rộng, đủ cung cấp nước cho các phi hành gia tương lai trên sao Hỏa, Javier Martin-Torres, đại học Công nghệ Lulea, Thụy Điển - tác giả đề tài nghiên cứu HABIT cho biết.
"HABIT dễ dàng phát triển thành 'các nhà máy nước' sản xuất tài nguyên tại chỗ", Javier nói. "Chúng tôi sẽ sản xuất nước lỏng ngay trên sao Hỏa, và nước này sẽ được dùng cho nhiệm vụ thám hiểm Hỏa tinh".
Javier và nhóm nghiên cứu ước tính mỗi thiết bị HABIT có thể sản xuất và tái chế khoảng 50 lít nước một năm trên sao Hỏa.
"Quá trình xử lý và phân tách tự nhiên là chìa khóa để chiết xuất nước tinh khiết trong tương lai", Javier nói. "HABIT không cần thêm năng lượng để hoạt động, và muối khô thu được lại tái sử dụng cho vòng thu nước tiếp theo".
Nếu thành công, dự án này sẽ là tin tuyệt vời cho NASA - cơ quan dự định đưa người lên sao Hỏa vào những năm 2030. Ngoài chức năng thu nước, HABIT còn được gắn vào thiết bị đổ bộ để hoạt động như một trạm khí tượng đo nhiệt độ và độ ẩm. Nó cũng có một khoang thu bụi khí quyển sao Hỏa, để kiểm tra mức độ thay đổi bụi theo mùa trên hành tinh Đỏ.
Dự án ExoMars dự kiến khởi động vào tháng 5/2018, còn bao gồm đưa một robot tự hành tích hợp mũi khoan sâu hai mét xuống bề mặt sao Hỏa, cũng như một sàn làm việc cố định trên bề mặt Hỏa tinh.
Hồng Hạnh/VNE