Phát hiện hành tinh mới có thể có sự sống
Cập nhật ngày: 18/11/2017 06:07:10
Các nhà khoa học vừa phát hiện một hành tinh ngoài Hệ mặt trời cách chúng ta khoảng 11 năm ánh sáng và có thể có sự sống.
Mô phỏng đồ họa về hành tinh mới vừa được các nhà khoa học thiên văn châu Âu phát hiện có thể có sự sống - Ảnh: EUROPEAN SOUTHERN OBSERVATORY
Trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, các nhà khoa học châu Âu vừa công bố tìm ra một hành tinh ngoài hệ mặt trời (exoplanet), kích thước tương đương Trái đất, có quỹ đạo bay quanh một ngôi sao và cách chúng ta 11 năm ánh sáng.
Với phát hiện này, các nhà khoa học châu Âu đã bổ sung thêm một lựa chọn khác nữa vào danh sách "các hành tinh bên ngoài Hệ mặt trời có khả năng có sự sống" trên đó.
Tuy nhiên lần này, giới khoa học ca ngợi hành tinh mới vừa phát hiện là một trong những cơ hội tốt nhất, có lẽ là cơ hội tốt nhất, để tìm thấy sự sống trên đó.
Sở dĩ phát hiện mới đem lại nhiều hứa hẹn vì đó là một hành tinh mới được đặt tên là Ross 128 b, có quỹ đạo quay xung quanh một ngôi sao dường như là một ngôi sao lùn đỏ không hoạt động.
Các đặc điểm cụ thể liên quan tới hành tinh mới khiến nó có nhiều khả năng là một môi trường ổn định hơn đối với sự sống.
Có lẽ giới khoa học châu Âu đặt nhiều kỳ vọng vào hành tinh Ross 128 b là vì những điểm tương đồng của hành tinh này với một hành tinh ngoài Hệ mặt trời khác đã biết trước đó là Proxima b, một hành tinh có quỹ đạo bay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri chỉ cách Trái đất 4 năm ánh sáng.
Phát hiện về Proxima b trước đây từng gây chấn động lớn trong giới khoa học thiên văn và khoa học nghiên cứu sinh học ngoài vũ trụ.
Không chỉ vì đó là hành tinh ngoài hệ mặt trời gần Trái đất nhất được tìm thấy, mà còn vì nó nằm trong vùng quỹ đạo quanh ngôi sao chủ có khả năng dung dưỡng sự sống, đặc biệt là có thể có nước, yếu tố sống còn với sự sống tại bất cứ hành tinh nào.
D. KIM THOA (TTO)