Sẽ “mạnh tay” hơn ​trong phòng chống thông tin xấu độc trên mạng

Cập nhật ngày: 05/11/2022 05:59:52

Công tác thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm, 3 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn (96%) là Viettel, VNPT, MobiFone mới rà soát, đối chiếu được hơn 23% tổng số giấy tờ thuê bao (18 triệu/76 triệu).

Sáng 4/11, sau khi kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT-TT).

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn về các nội dung: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân…

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi đến các ĐBQH báo cáo về một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm tại kỳ họp thứ 4.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, toàn quốc đã có 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt tỷ lệ 72,4% (trên tổng số 27,32 triệu hộ); số lượng thuê bao điện thoại di động 127,2 triệu tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam trở thành một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới (đến 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 30 trên thế giới).

Về quản lý, chuẩn hóa thông tin thuê bao, đến tháng 9-2021, qua rà soát toàn mạng còn hơn 7 triệu SIM có thông tin thuê bao có dấu hiệu chưa hợp lý, hợp lệ. Qua việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động, đến nay tổng số tiền phạt là gần 3 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast.

Bộ TT-TT thừa nhận, công tác thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm, 3 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn (96%) là Viettel, VNPT, MobiFone mới rà soát, đối chiếu được hơn 23% tổng số giấy tờ thuê bao (18 triệu/76 triệu). Bộ TT-TT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mục tiêu bảo đảm hoàn thành 100% trong tháng 11-2022; áp dụng công nghệ xác thực đăng ký thuê bao; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các rủi ro cho bản thân và xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, Bộ TT-TT cho biết, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng. Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật. Trong 2 năm qua, trên các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube, TikTok lan truyền rất nhiều tin giả liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; gần đây rộ lên các tin giả về vụ kit test Việt Á, vụ án lừa đảo thao túng giá đất, giá cổ phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…

Bộ TT-TT đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng, cung cấp Internet và thông tin trên mạng. Trong đó bổ sung quy định định danh tài khoản người dùng, đăng ký các trang, kênh, nhóm trên mạng xã hội có đông, nhiều người theo dõi; chỉ cho phép các tài khoản đã định danh mới được bình luận, viết bài trên mạng xã hội; các mạng xã hội phải gỡ bỏ thông tin vi phạm, gỡ bỏ tin giả trong vòng 24h khi có yêu cầu; hỗ trợ cấp xác thực Blue tick cho các fanpage là cơ quan; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp xử lý tin giả, thông tin xấu độc trên mạng… Hiện Chính phủ đang xem xét dự thảo Nghị định và dự kiến sẽ ban hành trong năm 2022. 

Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nêu trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Theo PHAN THẢO (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn