“Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng sản phẩm”

Cập nhật ngày: 18/03/2022 08:11:05

ĐTO - Đó là mục tiêu chính của kế hoạch do UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2022.


Lúa gạo là 1 trong 6 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng sản phẩm” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị, có thị trường mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm nông nghiệp; đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số trong nông nghiệp; lấy nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm nền tảng để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng; chuyên môn hóa nông dân, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong năm nay, tỉnh phấn đấu đạt 6/15 tiêu chí (theo chuẩn toàn quốc) và 9/15 tiêu chí (theo cấp vùng) của Bộ tiêu chí giám sát và đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp (ban hành kèm theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ); giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 47.390 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt 20.580 tỷ đồng (tăng 3,7% so với chỉ tiêu thực hiện năm 2021); tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác, thành lập mới 7 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch lao động; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đạt 46,6%; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn tăng gấp 1,06 lần so với năm 2021 (khoảng 52,882 triệu đồng/người/năm).

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn