Cho vay theo chuỗi sản xuất

Cần làm rõ mối quan hệ giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 30/06/2014 05:39:48

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong buổi đi kiểm tra thực tế sản xuất nông nghiệp tại một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tam Nông.

Đến thăm và làm việc tại HTX nông nghiệp Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao mô hình liên kết theo chuỗi mà HTX xây dựng. HTX nông nghiệp Tân Tiến hoạt động trong lĩnh vực tưới tiêu với 987,4ha đất lúa và cung ứng vật tư nông nghiệp. Các xã viên đều gieo sạ một loại giống lúa và chung một quy trình sản xuất. Ông Võ Văn Đào, Giám đốc HTX cho biết, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, sau đó HTX tiếp tục ký hợp đồng trồng lúa với từng xã viên. Doanh nghiệp bao tiêu sẽ ứng trước 4 triệu đồng/ha cho nông dân trồng lúa và bán lúa cho doanh nghiệp. Qua 6 vụ lúa liên kết gần đây, các xã viên đã bán gần 19 ngàn tấn lúa cho doanh nghiệp với giá bán cao hơn thị trường 200 đồng/kg.

HTX Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) cũng có cách làm tương tự, HTX có 237 thành viên với diện tích sản xuất là 1.200ha. Tính từ vụ hè thu năm 2013 đến nay, HTX thực hiện liên kết tiêu thụ được 8.000 tấn lúa, lợi nhuận của bà con nông dân đạt hơn 10 triệu đồng/ha. Năm 2012, HTX được Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, đơn vị đối ứng gần 3 tỷ đồng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, khép kín từ khâu sản xuất đến tồn trữ, nâng cao chất lượng nông sản, tạo giá trị tăng thêm trong chuỗi giá trị lúa gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đại diện doanh nghiệp bao tiêu lúa cho 2 HTX nói trên, ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà cho biết, doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo cho nông dân thông qua HTX bằng hợp đồng. Sau khi xây dựng hợp đồng, các xã viên sẽ được mời đến góp ý nhằm tạo đồng thuận cao giữa các bên. Việc HTX đứng ra ký hợp đồng sản xuất lúa với từng hộ nông dân là phù hợp với chức năng và khả năng hoạt động của HTX. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua lúa gạo và trả tiền cho nông dân ngay tại ruộng. Tính từ vụ đông xuân năm 2011 - 2012 đến nay, Công ty đã tổ chức hợp đồng thu mua lúa với diện tích gần 10.000ha, sản lượng 58.000 tấn. Để phát triển mô hình, Công ty đã có kế hoạch mở rộng liên kết từ 5 lên 11 HTX ở huyện Tam Nông, tương đương 12.000ha, sản lượng 84.000 tấn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, hiệu quả của mối liên kết này khá rõ ràng. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách thức cho vay theo chuỗi sản xuất, hạn chế cho vay trực tiếp đến từng hộ nông dân. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể cho vay theo chuỗi sản xuất thì vấn đề quan trọng nhất là phải làm rõ các mối quan hệ (giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng kinh tế). Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay, mỗi HTX lại có cách làm khác nhau, không theo một quy chuẩn có tính pháp lý cao nên rất khó để có thể thực hiện cho vay theo chuỗi.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân ở Đồng Tháp cần nghiên cứu việc tự đứng ra hỗ trợ cả vốn, vật tư cho nông dân trong sản xuất. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp là đầu mối để cho vay theo chuỗi và xây dựng thành quy chế hợp tác có tính pháp lý cao giữa 3 bên (doanh nghiệp - HTX - nông dân). Việc doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối hỗ trợ nông dân, còn là điều kiện để đảm bảo chất lượng và giá cả “đầu vào” và “đầu ra” trong sản xuất nông nghiệp.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn