Cần nghiên cứu mô hình đấu giá đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào

Cập nhật ngày: 15/04/2015 12:30:36

Hiện nay, việc liên kết sản xuất lúa không mới đối với người nông dân, nhất là nông dân huyện Tam Nông. Song nhiều hợp tác xã (HTX) vẫn đang loay hoay tìm phương thức liên kết phù hợp.

Thực hiện mô hình liên kết chuỗi giúp nông dân giảm giá thành, tăng năng suất

Đa dạng các loại hình liên kết

Từ vụ hè thu năm 2012, HTX Phú Bình, xã Phú Đức đã tổ chức liên kết bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân với Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong sản xuất lúa của người nông dân. Quá trình sản xuất, đòi hỏi cần phải có liên kết vật tư đầu vào để đáp ứng nhu cầu của bà con trong việc lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón... nên lãnh đạo HTX liên kết hợp tác với Công ty BTVT Sài Gòn và Công ty phân bón Bình Điền nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo thành viên HTX. Theo ông Trần Văn Vũ - Phó Giám đốc HTX Phú Bình, hiệu quả trước mắt là nông dân không bị ép giá, đến khi thu hoạch thì được công ty thu mua. Thêm nữa, khi thực hiện liên kết toàn cánh đồng chỉ sản xuất 1 loại giống Jasmine nên đảm bảo được chất lượng lúa đồng đều, không tạp lẫn.

Ông Võ Trường Chinh, nông dân tại xã Phú Đức cũng là thành viên HTX Phú Bình chia sẻ: Mấy mùa gần đây, nhờ thực hiện liên kết với Công ty Thu Hà nên chúng tôi yên tâm đầu ra. Đặc biệt từ vụ đông xuân năm nay thực hiện mô hình liên kết chuỗi giữa Công ty Lộc Anh – Công ty Phân bón Bình Điền – Công ty BVTV Sài Gòn, chúng tôi được khuyến khích sử dụng mặt hàng phân, thuốc tại các công ty này. Theo tôi, các sản phẩm này đều rất tốt, tuy nhiên do mỗi công ty chỉ có một hoặc 2 loại sản phẩm thế mạnh, trong khi đó muốn sản xuất cả vụ lúa, nông dân phải sử dụng đa đạng nhiều loại phân, thuốc, do vậy đa phần bà con đều chọn hình thức tự mua phân, thuốc là chủ yếu.

Bên cạnh mô hình liên kết có cung ứng vật tư đầu vào, một hình thức khác đang được thực hiện tại một số HTX đó là chỉ bao tiêu đầu ra như đã từng làm trước đây ở nhiều HTX trên địa bàn. Với hình thức này, vật tư nông nghiệp sẽ được nông dân tự lựa chọn sử dụng mà không bị lệ thuộc vào nhà cung cấp. Tuy nhiên, khi thực hiện hình thức này thì chất lượng lúa hàng hóa chưa đồng nhất, nên xét về yếu tố giá trị và tính chất lượng thì hình thức này có phần ít hiệu quả hơn so với các hình thức khác. Bởi khi tham gia bao tiêu đầu ra thì vấn đề chất lượng được công ty thu mua đặt lên hàng đầu, trong khi sản xuất chưa được đồng bộ nên khó có được sự đồng nhất về mặt sản phẩm và tồn dư nông dược.

Nên hay không việc đấu giá đại lý vật tư đầu vào?

Đánh giá về 2 mô hình liên kết này, phía đơn vị bao tiêu - ông Đặng Văn Khương, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, Công ty vẫn ưu tiên phương án 1 (cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra), bởi phương thức liên kết này đơn vị có sự hỗ trợ của Công ty BVTV An Giang từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch. Qua đó, quản lý được dư lượng thuốc hợp lý, từ đó tạo ra các sản phẩm đồng nhất, đạt chất lượng để công ty có thể tiếp cận được những thị trường khó tính khi xuất khẩu.

Hiện toàn huyện Tam Nông đang triển khai đề án chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất với diện tích 5.489ha ở 12 HTX nông nghiệp trên 5 xã và thị trấn. Theo đó, nông dân được Công ty phân bón Bình Điền – Công ty BVTV Sài Gòn cung ứng vật tư đầu vào tổng giá trị 120 triệu đồng và được Công ty TNHH TM XNK Lộc Anh thu mua với giá thu mua theo giá thị trường tại thời điểm và cộng thêm 150 đồng/kg. Qua tổng kết mô hình, nông dân khi tham gia thực hiện chuỗi liên kết (từ cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm), giá thành sản xuất lúa giảm từ 750 - 800 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 24-25 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn 6-7 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống).

Ông Nguyễn Văn Trãi – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường cho biết: “Qua mấy vụ thực hiện liên kết theo mô hình chuỗi, chúng tôi đánh giá đây là mô hình liên kết hiệu quả bởi mô hình đã giúp giảm được giá thành, tăng năng suất. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình liên kết ngang thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, do giá thành cung ứng chưa giảm được nhiều. Do vậy, theo tôi, trong chuỗi mô hình liên kết này nên xây dựng một đại lý cấp 1 theo hình thức các đơn vị đấu thầu cung ứng vật tư nông nghiệp, nếu đơn vị nào đưa ra giá hợp lý sẽ được thực hiện chuỗi, từ đó đại lý cấp 1 này sẽ cung ứng lại cho các HTX trên địa bàn, hoặc công ty bao tiêu có thể hỗ trợ cho HTX cung ứng.

Ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông nhận định, để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững, phía ngành nông nghiệp cũng thường xuyên theo dõi vấn đề liên kết tiêu thụ để phát hiện những gì khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, chúng tôi cũng so sánh tính lợi nhuận của những mô hình liên kết này tham mưu về trên để có hướng mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn