Chủ động xử lý sạt lở khẩn cấp bờ sông

Cập nhật ngày: 15/04/2013 05:45:18

Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, hiện nay tỉnh Đồng Tháp có trên 100 điểm sạt lở bờ sông, trong đó các khu vực sạt lở nguy hiểm là TX.Sa Đéc, huyện Châu Thành, Lấp Vò, Hồng Ngự và Thanh Bình đã làm thiệt hại cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.


Thả bao tải cát lấp hố xói khu vực sạt lở sông Tiền xã Mỹ An Hưng B

Sau mùa lũ 2011, khu vực bờ sông Tiền thuộc Sa Đéc - Châu Thành và khu vực xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp và chỉ đạo xây dựng phương án khẩn cấp, giai đoạn cấp bách để khắc phục sự cố, tiến hành thi công chống sạt lở tại 2 khu vực trên.

Tại TX.Sa Đéc, khu vực sạt lở cần được xử lý có tổng chiều dài 2.144,15m, trong đó phương án xây dựng công trình xử lý khẩn cấp khắc phục sự cố kè chống xói lở giai đoạn 3 khu vực Vàm Cái Đôi có chiều dài 810m với kinh phí 69,7 tỷ đồng. Từ tháng 8/2012 đến nay, các đơn vị thi công đã thả bao tải cát, lấp hố xói, tạo mái, trải vải địa kỹ thuật, trải thảm rọ đá khống chế được dòng chảy, khắc phục được tình trạng sạt lở bảo vệ khu dân cư và kết cấu hạ tầng, ổn định cuộc sống lâu dài cho 1.133 dân cư đang sinh sống trong khu vực phường 4 (Sa Đéc) và xã An Hiệp (Châu Thành), đảm bảo sự ổn định và an toàn giao thông vận tải thủy bộ trên sông Tiền và tuyến vận tải thủy quốc gia sông Sa Đéc - kinh xáng Lấp Vò.

Tuy nhiên, để hiện tượng sạt lở bờ được khống chế hoàn toàn, cần thi công kè bảo vệ đoạn 1.334,15m còn lại và tiếp tục thi công hoàn thành các kết cấu của kè đoạn khẩn cấp để phát huy hiệu quả công trình. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương xin chủ trương lập dự án đầu tư kè chống xói lở giai đoạn 3 TX.Sa Đéc với tổng mức đầu tư 173 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%.

Kè chống xói lở khu vực xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò có tổng chiều dài sạt lở cần xử lý là 1.900m, trong đó phương án xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sạt lở với kinh phí hơn 36 tỷ đồng. Từ tháng 11/2012 đến nay đã xử lý được 700m, bước đầu đã khống chế được dòng chảy, khắc phục được tình trạng sạt lở bảo vệ dân cư và kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ, ổn định cuộc sống cho hơn 300 hộ dân trong khu vực. Để phát huy hiệu quả công trình, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Trung ương xin chủ trương lập dự án đầu tư kè chống sạt lở bờ sông Tiền với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%.

Theo báo của UBND tỉnh, việc thực hiện Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho địa phương chủ động xử lý trình trạng sạt lở khẩn cấp, kịp thời hạn chế sạt lở, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Tuy nhiên do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, các đơn vị trúng thầu phải đầu tư vốn thi công trước nên gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ. Tỉnh đã xin Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cho chủ trương lập dự án kè chóng xói lở. Tuy nhiên, khi được chấp thuận mới tiến hành lập dự án và triển khai các bước tiếp theo, công trình thi công sẽ kéo dài, chậm phát huy hiệu quả.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn