Đẩy mạnh mô hình luân canh đậu nành trên đất lúa
Cập nhật ngày: 20/02/2013 05:18:15
Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích trồng đậu nành lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành và thành phố Cao Lãnh. Đậu nành được trồng ở những khu đất ruộng xen vườn, liếp, bãi bồi sau khi lũ rút, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại địa phương để làm thức ăn, sữa đậu nành... Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích đậu nành của tỉnh giảm mạnh. Năm 2007 toàn tỉnh có 7.600ha, năm 2012 chỉ còn 1.270ha, nguyên nhân do giá đậu nành tăng chậm so với các loại cây trồng khác.
Từ năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thực hiện các mô hình sản xuất đậu nành có chủng vi khuẩn cố định đạm với quy mô từ 100 - 200ha để tăng nguồn vi khuẩn cố định đạm có sẳn trong đất, giúp cây phát triển tốt, giảm lượng phân đạm, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích.
Là một trong những cây trồng cạn ngắn ngày, cây đậu nành có ưu thế trong hệ thống luân canh cây trồng của tỉnh, nhất là trên đất 2 lúa 1 màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất độc canh 3 vụ lúa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiệu quả kinh tế của cây đậu nành luân canh trên ruộng lúa cao hơn so với sản xuất vụ lúa hè thu khoảng 7 triệu đồng/ha, quan trọng hơn là mô hình này còn mang lại hiệu quả kép vì góp phần cải tạo đất, giảm áp lực sâu bệnh, cắt đứt cầu nối dịch giữa 2 mùa lúa, sau khi thu hoạch đậu nành để lại lượng đạm từ nốt sần giúp giảm chi phí phân bón ở vụ lúa sau, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, để phát triển cây đậu nành cần phải quy hoạch vùng sản xuất qui mô lớn tạo sản phẩm khối lượng đồng nhất, áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch, đặc biệt là xây dựng hệ thống tưới tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển cây trồng cạn. Bên cạnh đó, vì là cây có dầu nên khó bảo quản giống ở nông hộ, nông dân không chủ động được nguồn giống, thường mua giống từ các vựa không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp, giá cả lại không ổn định; tập quán sản xuất manh mún nhỏ lẻ không theo quy hoạch nên chất lượng thấp và thiếu đồng bộ, trong khi giá cả vật tư ngày càng tăng làm tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận từ cây đậu nành không cao...
Để phát huy lợi thế cây đậu nành ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đưa giống đậu nành chuyển gen có năng suất cao, kháng được sâu đục trái, giúp nông dân canh tác hiệu quả về năng suất và giảm giá thành sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo xuống giống đúng lịch mùa vụ, chủ động xuống giống lúa đông xuân đúng thời điểm, bơm thoát nước vụ đậu nành hạn chế ngập úng khi gặp mưa; cần có đơn vị nghiên cứu và cung ứng giống đậu nành chất lượng phù hợp với điều kiện sản xuất của khu vực ĐBSCL; gắn kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp theo phương thức đặt hàng để nông dân an tâm đầu tư sản xuất.
AQ