Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Cập nhật ngày: 17/04/2022 11:54:43
ĐTO - Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình tiếp tục phát triển nông nghiệp gắn với bố trí, sắp xếp lại các ngành hàng sản xuất theo nguyên tắc sử dụng tối đa lợi thế so sánh và sử dụng tối ưu các nguồn lực đầu vào để tạo ra hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh cao hơn, bền vững hơn cho toàn ngành.
Mô hình trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ tại huyện Lai Vung
Đây còn là quá trình phát triển gắn với thay đổi quy mô sản xuất của các ngành hàng nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo tính bền vững.
Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào nền kinh tế của đất nước. Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo tăng liên tục cả về diện tích gieo trồng và năng suất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều thách thức về tính bền vững về phát triển ngành nông nghiệp như: tăng trưởng lĩnh vực này trong thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, vật tư và nguồn lực tự nhiên...). Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp giảm mạnh, manh mún gây khó khăn trong áp dụng cơ giới hóa dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp; tình trạng hạn hán và dịch bệnh diễn ra phổ biến ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất. Mặt khác, giá cả nông sản biến động nhanh và theo chiều hướng xấu tác động tiêu cực đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người nông dân. Chính sách nhà nước đối với nông nghiệp chưa đề cập và xử lý kịp thời những tác động tiêu cực của thiên tai và biến động của thị trường, dẫn đến động lực sản xuất của nông dân giảm sút. Chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đủ mạnh để tạo ra những liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh nông nghiệp.
Do vậy, sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, manh mún; chưa quy hoạch được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung để đầu tư thâm canh theo chiều sâu...
Từ những thực trạng trên, yêu cầu đặt ra đối với tái cơ cấu nông nghiệp cần phải gắn kết được giữa hiệu quả kinh tế với thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường. Theo đó, tái cơ cấu nông nghiệp phải trên cơ sở rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, chuyên canh, thâm canh, phát huy được tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của địa phương. Đồng thời thiết lập các mối quan hệ liên kết giữa hộ nông dân với các tổ chức sản xuất, kinh doanh như doanh nghiệp, cơ sở chế biến, thương lái; phát triển nhanh các dịch vụ nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp ở địa phương để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, hạn chế bớt tính thời vụ; chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Nuôi cá chạch lấu cho hiệu quả kinh tế cao tại huyện Tam Nông
Là địa phương nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp có bước phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có như quy mô sản xuất chạm ngưỡng; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản tương đối thấp; tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng... Do vậy, Đồng Tháp rất chú trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp phát triển nhanh và toàn diện, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo quy luật thị trường, giảm diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng mang lại giá trị cao, giá thành sản xuất thấp, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, chủ trang trại liên kết với các trường đại học, cao đẳng, ứng dụng khoa học và công nghệ hình thành trang trại giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho toàn tỉnh, góp phần sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, phát triển các sản phẩm chủ lực (hoa kiểng, cây ăn trái, thủy sản...).
Hướng tới thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả, tỉnh cần phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản; thực hiện tốt các chương trình hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ sinh học, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất.
Hoa kiểng là một trong những ngành hàng thế mạnh của Đồng Tháp. Ảnh: THANH PHONG
Song song đó, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung; nâng cao công tác phân tích và dự báo thị trường; đẩy mạnh truyền thông và kết nối thông tin thị trường tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Mặt khác, tỉnh cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản đặc thù và hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư hỗ trợ phát triển 6 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; mô hình liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ, mô hình giảm giá thành nông sản, mô hình sản xuất đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ quản lý cho các hợp tác xã nông nghiệp...
PHẠM HÒA - HOÀNG NAM