Phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ ở các cơ sở sản xuất kinh doanh
Cập nhật ngày: 16/04/2022 17:47:58
ĐTO - Với quy mô sản xuất lớn, sử dụng nhiều thiết bị điện, công nhân hoạt động thường xuyên nhưng lại chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy ở xưởng cưa Phước Tiến, thuộc huyện Cao Lãnh
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong quí I năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, làm thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện. Trước những diễn biến phức tạp về công tác PCCC ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm.
Kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Minh Tuyết chuyên chế biến thực phẩm ngũ cốc thuộc ấp Tân Long, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, Tổ công tác thuộc phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh phát hiện nhiều vi phạm như: công trình kho chứa chính được mở rộng nhưng chưa có hồ sơ thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, công trình kho chứa phụ chưa lắp đặt báo cháy tự động, kho chính và cả kho phụ chưa được nghiệm thu về PCCC, cơ sở được trang bị 11 bình chữa cháy xách tay, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra lại mất tác dụng. Được biết, vào ngày 31/12/2021, cơ sở này đã được lực lượng chức năng kiểm tra và yêu cầu khắc phục những thiếu sót về công tác PCCC, đến nay, vẫn chưa khắc phục. Theo chia sẻ của người đại diện công ty, nơi đây, từng xảy ra 2 vụ cháy gây thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng, nhưng ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC ở công ty này lại còn chủ quan, thờ ơ. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm chính đối với Công ty TNHH Minh Tuyết với hành vi không thực hiện văn bản yêu cầu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền.
Có thể nói, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC rất quan trọng. Ngoài việc am hiểu kiến thức, pháp luật về PCCC, cơ sở cần phải có đầy đủ dụng cụ, phương tiện PCCC, nhân viên cần được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC, có phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã được phê duyệt, tổ chức lực lượng PCCC tại cơ sở...
Hệ thống điện đầy bụi ở Công ty TNHH Minh Tuyết
Trong tháng 3/2022, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành kiểm tra 143 cơ sở, qua đó, lập biên bản 143 trường hợp, kiến nghị khắc phục 129 thiếu sót về PCCC như: phương tiện, thiết bị, bình chữa cháy cần đảm bảo chất lượng, giám sát bảo dưỡng thường xuyên, một số bảng nội quy bị mờ, không rõ chữ, vệ sinh ở một số cơ sở còn kém, giăng mắc điện không đảm bảo an toàn, chưa thẩm duyệt hồ sơ PCCC, chưa lắp đặt hệ thống báo cháy, một số công nhân hút thuốc lá và vứt tàn thuốc tại nơi sản xuất... Qua kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp với tổng số hơn 22 triệu đồng. Thượng tá Nguyễn Văn Su - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an Đồng Tháp cho biết: “Các cơ sở phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đường dây điện đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật điện, quản lý các nguồn nhiệt, các chất dễ cháy, nổ, đảm bảo đúng quy định về an toàn PCCC. Lực lượng PCCC sẽ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở thực hiện tốt về công tác PCCC; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt về PCCC theo quy định”.
Để bảo vệ tài sản và tính mạng của con người tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, người đứng đầu công ty, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn PCCC, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ, nhất là cháy lớn xảy ra trong bất cứ thời điểm nào.
Thanh Thảo