Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long
Đưa trái chanh không hạt sang thị trường EU
Cập nhật ngày: 14/04/2022 06:13:02
ĐTO - Để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Long (huyện Cao Lãnh) hướng dẫn các thành viên áp dụng sản xuất chanh không hạt theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ đó, sản phẩm của HTX từng bước xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, dần nâng tầm vị thế thương hiệu chanh Cao Lãnh.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long chọn sản phẩm cho phía đối tác xuất khẩu
Từ sản xuất chanh theo hướng hữu cơ...
Vừa nhận cuộc gọi từ phía đối tác thu mua sản phẩm, ông Lương Như Ý - Phó Giám đốc HTX DVNN Mỹ Long chia sẻ: “Tiền thân của HTX là Tổ hợp tác Chanh không hạt Mỹ Long. Thời gian đầu, sản xuất của đơn vị khá manh mún, sản phẩm chỉ bán được theo kiểu cầm chừng; thành viên trong tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn từ việc tìm đầu ra đến thống nhất quy trình sản xuất. Vào thời điểm đó, không đối tác nào chịu ký hợp đồng vì sản lượng cung cấp không đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, các thành viên phải cùng nhau đóng góp ý kiến để phát triển. Nhìn từ thực tiễn, chúng tôi xác định việc sản xuất chanh theo hướng hữu cơ và đi lên mô hình HTX mới là xu thế tất yếu”.
Từ đó, các thành viên Tổ hợp tác Chanh không hạt Mỹ Long quyết định thành lập HTX DVNN Mỹ Long. Đến nay, HTX có 19 thành viên, diện tích canh tác chanh không hạt gần 25ha.
Từ khi quyết tâm “làm ăn chung”, các thành viên trong HTX DVNN Mỹ Long áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP vào quá trình canh tác sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Ý, sản xuất theo hướng GlobalGAP cho năng suất thấp hơn, nhưng đổi lại, tiết kiệm chi phí sản xuất được hơn 20-30%. Trong quy trình sản xuất phải có nhà kho riêng chứa phân thuốc; trang bị dụng cụ phun xịt phân bón, đồ bảo hộ. Toàn bộ quá trình phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc theo danh mục ngưỡng EU cho phép, không sử dụng thuốc ngoài danh mục; từng hộ nông dân phải đầu tư hệ thống tưới riêng biệt cho trái chanh nhằm hạn chế việc nhiễm chéo; từng giai đoạn có ghi nhật ký canh tác kỹ lưỡng. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng thuốc trong 7 ngày trước thu hoạch nhằm đảm bảo thời gian cách ly...
Ông Phạm Văn Niềm - Phó Giám đốc HTX DVNN Mỹ Long cho biết thêm: “Giống chanh HTX đang trồng là loại không hạt, thu hoạch sau 15-18 tháng trồng. Chanh này năng suất chính vụ (tháng 2-3) từ 5 - 7 tấn mỗi công (1.000m2) tùy độ tuổi cây. Việc sản xuất chanh theo hướng GlobalGAP không chỉ đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà nông dân còn được hỗ trợ đầu ra, đảm bảo giá bán cao hơn thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện các nước nhập khẩu trái cây Việt Nam đều yêu cầu phải có mã số vùng trồng bên cạnh các chứng nhận GlobalGAP. Hiện Đồng Tháp có 162 mã số vùng trồng trên cây ăn quả, diện tích gần 6.000ha (chiếm 16% tổng diện tích) chủ yếu là xoài, nhãn, trong đó xuất sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật là 40 mã, hơn 1.000ha.
Theo bà Hoa, mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất - Production Unit Code - PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã số này được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt, cấp. Quy trình cấp mã bao gồm các bước thẩm định về đối tượng kiểm dịch của nước nhập khẩu, kiểm tra nhật ký ghi chép, vệ sinh vườn, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Sau khi được cấp mã số, hằng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ kiểm soát trước kỳ thu hoạch nông sản để có báo cáo việc giữ hay thu hồi mã số...
...Đến xuất khẩu chanh sang thị trường EU
Thực tế từ quy trình chuẩn bị hàng của HTX DVNN Mỹ Long cho thấy độ chặt chẽ trong từng khâu sản xuất. Theo đó, chanh ở đây được nông dân chở trong những giỏ to, khi tới vựa không tiếp xúc mặt đất mà phải để lên ghế cao. Ông Lương Như Ý lý giải, việc để các giỏ chanh trên ghế cao giúp tránh tiếp xúc mặt đất nhằm giảm lây nhiễm chéo sinh vật gây hại hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, muốn ký kết hợp đồng xuất khẩu sang thị trường khó tính như các nước EU, ngoài việc có mã số vùng trồng, nông dân trồng chanh phải cam kết nông sản không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi lô hàng đều phải kiểm tra ngẫu nhiên, nếu vi phạm sẽ bồi thường toàn bộ lô hàng.
Ngoài ra, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện dư lượng thuốc tồn dư trên sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu phải cử nhân viên tìm hiểu nguyên nhân, nếu do nhà vườn cố tình phun thuốc sẽ bị cắt hợp đồng thu mua. Trường hợp do nhiễm chéo từ vườn bên cạnh, nhà vườn sẽ được cân nhắc ký hợp đồng lại sau thời gian 4-5 tháng theo dõi, đánh giá.
Ông Ý chia sẻ: “Bên cạnh những ràng buộc về pháp lý khi sai hợp đồng, để khuyến khích người sản xuất, phía đơn vị thu mua sẽ thưởng những khoản hấp dẫn nếu làm tốt. Cụ thể, nếu hàng đạt chuẩn xuất khẩu trên 60% được đơn vị thu mua cộng thêm 1.000 đồng/kg; đồng thời thực hiện theo tiêu chuẩn GAP, không dùng phân thuốc trôi nổi được cộng thêm tối đa 3.000 đồng/kg. Hiện, mỗi tháng, đơn vị cung ứng khoảng 7 tấn chanh cho phía đơn vị thu mua phục vụ xuất khẩu”.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, nhiều nhà vườn đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của đất, chất lượng nông sản, hợp tác với nhau để cùng làm tốt. Mã số vùng trồng xuất khẩu gắn với thương hiệu của nông sản nhà vườn làm ra, thương hiệu địa phương, ai làm mất uy tín sẽ bị thu hồi mã số, không bán được hàng.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết: “Mô hình sản xuất chanh theo hướng hữu cơ của HTX DVNN Mỹ Long được xem là bước đột phá của nền nông nghiệp huyện. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ HTX trong việc cung cấp giống chanh, hỗ trợ cung cấp mã vùng trồng... Điều này, đáp ứng tốt vào việc sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu của HTX. Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn trái, trong đó có chanh không hạt. Cùng với đó, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, trong đó có HTX DVNN Mỹ Long tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp để giúp sản phẩm chanh của địa phương mở rộng thị trường, góp phần giúp nâng cao thu nhập của nông dân...”.
Trang Huỳnh