Đề ra giải pháp quản lý các bến, cụm bến lên xuống hàng hóa
Cập nhật ngày: 07/06/2013 04:40:11
Ban An toàn giao thông tỉnh vừa họp giải quyết các bến thủy nội địa hoạt động không phép trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc. Đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục đường thủy nội địa phía Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ VII cùng các ban, ngành chức năng và UBND các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, thị xã Sa Đéc tham dự.
Quang cảnh buổi họp
Tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc nối giữa sông Tiền và sông Hậu dài khoảng 51,5km đi qua địa phận của ba tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang, là một trong những cửa ngõ rất thuận lợi cho việc thông thương giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh. Mật độ phương tiện thủy lưu thông trên tuyến kênh này rất cao, nên việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khu vực này là rất cần thiết và quan trọng. Việc tồn tại 99 cảng bến thủy nội địa hoạt động không phép trên tuyến đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông cả đường thủy và đường bộ dọc theo tuyến kênh này.
Để giải quyết tồn tại đối với các bến thủy nội địa hoạt động không phép trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc, cuộc họp đi đến thống nhất và thực hiện ngay một số nội dung:
15 bến thủy nội địa mà doanh nghiệp có hình thức vận chuyển hàng hóa vượt qua quốc lộ 80 tạm thời cho phép hoạt động đến năm 2016 nhưng phải đáp ứng các điều kiện: trong vòng 12 tháng phải lắp đặt băng tải băng qua đường, sau 12 tháng nếu không lắp đặt băng tải để chuyển hàng hóa qua quốc lộ 80 thì đình chỉ hoạt động và rút giấy phép kinh doanh; trong vòng 12 tháng muốn khai thác bến phải có phương án bốc dỡ hàng hóa băng qua đường được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận; đến hết năm 2016 tất cả các bến phải di dời vào khu công nghiệp.
6 bến thủy nội địa do Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh cung cấp do vị trí nằm tại đoạn cua cong, không đảm bảo an toàn giao thông phải có giải pháp chuyển đổi bốc dỡ hàng hóa và không được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; 78 bến còn lại cơ quan quản lý đường thủy nội địa xem xét cấp phép hoạt động tạm thời có thời hạn, với các giải pháp như sau: Từ nay đến cuối tháng 6/2013 phải thực hiện xong công tác tổng điều tra; trong tháng 7 - 8/2013 thực hiện hướng dẫn các thủ tục và cấp phép hoạt động; tháng 9/2013 đoàn kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp không được cấp giấy phép hoạt động, đồng thời tổng kết đánh giá tình hình giải quyết các bến thủy nội địa hoạt động không phép trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc.
Đối với các doanh nghiệp không có giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất tại các bến thủy nội địa thì UBND huyện xác nhận tạm thời cho doanh nghiệp sử dụng đất để làm cơ sở cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa cấp phép hoạt động. Đối với các cơ sở doanh nghiệp san lấp mặt bằng lấn chiếm lòng sông, UBND huyện có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và kiên quyết xử lý tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.
Việc thực hiện các giải pháp để giải quyết các bến thủy nội địa hoạt động không phép trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc là quan trọng và rất cần thiết nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra cả đường thủy lẫn đường bộ trong thời gian tới.
Hoài Chiểu