Giải pháp để xuất khẩu xoài bền vững

Cập nhật ngày: 14/06/2022 16:23:31

ĐTO - Sau 5 năm đàm phán, trái xoài Việt Nam đã được thị trường Nhật bản chấp nhận và ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay, yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản đã có một số thay đổi.

Ngoài các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP), thị trường này yêu cầu trái xoài Việt Nam phải đảm bảo về mã số vùng trồng thì mới được chấp nhận. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp (DN), người sản xuất phải nhìn nhận lại và có những định hướng sản xuất phù hợp với sự thay đổi của thị trường Nhật Bản nói riêng và các nước nhập khẩu nói chung.


Mô hình trồng xoài VietGAP của nông dân xã Tân Hòa , huyện Thanh Bình

Thị trường nhập khẩu đã có sự thay đổi

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mất 5 năm đàm phán, Nhật Bản đã chấp nhận nhập khẩu xoài cát chu của Việt Nam. Tuy nhiên, đầu năm 2022, nước này thông báo dừng nhập khẩu xoài do sự cố một số DN xuất khẩu đóng gói nhầm xoài khác loại vào lô xoài cát chu của Việt Nam trong khi quốc gia này chỉ nhập khẩu xoài cát chu trồng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sau thời gian gián đoạn, hiện Nhật Bản đã nhập khẩu trở lại nhưng thị trường này có thêm các yêu cầu như: các vùng trồng phải có mã số do họ phê duyệt, cơ sở đóng gói không đóng 2 thị trường cùng lúc... Ngoài ra, Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ theo chuỗi: mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý (hơi nước nóng 47 độ trong 20 phút), kiểm tra, kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Theo bà Hương, Nhật Bản là thị trường khó tính nhưng tiềm năng rất lớn, nếu xoài Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng, tạo được uy tín, thương hiệu, đặc biệt là đảm bảo các quy định về vùng trồng thì tương lai xuất khẩu xoài rất rộng mở. Khi đảm bảo các yêu cầu nhập khẩu của thị trường này thì việc xuất khẩu sang các thị trường khác không vấn đề gì.

Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, hiện xoài tươi Việt Nam đang xuất sang 22 nước, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, sản phẩm từ xoài xuất sang 53 nước. Năm 2021, gần 600.000 tấn xoài xuất sang các nước, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần từ 215 tấn năm 2020 lên 640 tấn năm 2021, tương tự Hàn Quốc tăng 130% sản lượng... Cả nước có 845 mã số vùng trồng xoài, diện tích 42.000ha, chiếm 31% diện tích. Riêng xoài cát chu xuất sang Nhật Bản có 16 mã số vùng trồng được cấp, chủ yếu tại Đồng Tháp.

Nâng cao trình độ cho nông dân trong thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 13.000ha, sản lượng hàng năm gần 113.000 tấn.

Để sản phẩm xoài đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu xuất khẩu, tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hướng an toàn gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng đảm bảo truy suất nguồn gốc.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 122 vùng trồng (xoài, mít, nhãn, thanh long) được cấp mã số phục vụ xuất khẩu với 5.714,6ha xuất khẩu sang Trung Quốc và 40 mã số vùng trồng (xoài, nhãn, chanh không hạt) xuất khẩu sang: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hiện có 14 mã số vùng trồng xoài với 528,5ha.

Định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ tăng diện tích cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái lên 40.810ha, rau màu là 10.549ha và lúa là 190.170ha. Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chứng minh xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, nông sản không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với riêng thị trường Nhật Bản mà đã là quy định chung của các thị trường nhập khẩu hiện nay. Ngay cả thị trường Trung Quốc hiện nay cũng đã thực hiện chặt chẽ hơn các quy định đối với hoạt động nhập khẩu thông qua các biện pháp tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm... Chính vì nhu cầu thị trường nên đòi hỏi người sản xuất phải tự thay đổi tư duy, tập quán sản xuất phù hợp theo nhu cầu thị trường, đây là điều kiện bắt buộc nếu nông dân muốn nâng cao giá trị sản phẩm, bán được giá.


Nông dân xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh thu hoạch xoài

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên trái xoài

Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp nên có giải pháp giám sát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên trái xoài, nhất là rà soát, đưa ra tiêu chuẩn việc sử dụng thuốc BVTV  phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi hiện nay đã có tình trạng khi kiểm dịch dư lượng thuốc BVTV ở Việt Nam đảm bảo chất lượng, nhưng ra thị trường quốc tế lại bị đánh nhiễm dư lượng thuốc BVTV, điều này gây thiệt hại rất lớn đối với DN.

Nói về trường hợp thực tế tại DN mình, bà Đinh Kim Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết, tháng 2/2022, công ty xuất khẩu 5 tấn xoài sang thị trường Úc. Trước khi xuất hàng, DN đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong nước về kiểm tra chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc BVTV. Tuy nhiên, đến thị trường xuất khẩu, sau 3 lần kiểm tra, phía đối tác cho biết lô hàng bị nhiễm thuốc BVTV và buộc phải thiêu hủy, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Thiệt hại đã xảy ra, nhưng điều lo lắng nhất của DN là về lâu dài các đối thủ sẽ lợi dụng tình hình này gây ảnh hưởng đến uy tín của trái xoài Việt Nam. Bà Nhung cho rằng: “Để hạn chế tình trạng này tiếp diễn, tới đây, ngành nông nghiệp nên cập nhật, đưa ra tiêu chuẩn sử dụng thuốc BVTV trên trái xoài của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế. Từ đó, xây dựng các mô hình, hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn, rải vụ để xoài Việt Nam đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất ra các nước”.

Ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) nói: “Người trồng xoài rất tâm huyết với sản phẩm của mình, tuy nông dân vẫn chưa tìm ra được lời giải cho bài toán nông sản cũng như sản xuất như thế nào để đảm bảo đúng chất lượng, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu của DN. Chính vì vậy, điều người trồng xoài mong muốn có sự đặt hàng cụ thể của DN, đồng thời có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp xây dựng một mô hình quản lý hoàn chỉnh trong trồng xoài. Từ đó, sẽ có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và tạo nên một vùng nguyên liệu ổn định theo quy trình sạch, có chỉ dẫn xuất xứ truy xuất nguồn gốc, xây dựng được thương hiệu...”.

Có thể nói, nâng cao giá trị trái xoài để phù hợp với thị trường Nhật Bản và các nước nhập khẩu đang là điều cả nông dân, DN và ngành chức năng đều tâm huyết thực hiện. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bên: Ngành nông nghiệp trong quản lý nhà nước để vượt qua rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm; nông dân đặt chữ tâm lên hàng đầu trong sản xuất; DN giữ được chữ tín với nông dân. Có như vậy mới giải quyết được bài toán cho xuất khẩu xoài nói riêng và các loại nông sản khác nói chung.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn