Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Góp phần giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến
Cập nhật ngày: 27/10/2019 04:16:07
ĐTO - Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn năng lượng quốc gia. Theo Bộ Công Thương, song song với việc khai thác nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế. Đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thiết bị tiết kiệm điện được giới thiệu tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngành chế biến thủy sản và ngành chế biến thực phẩm”
Tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình này được triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực SDNLTK&HQ. Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành Trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.
Được thực hiện thành 2 giai đoạn, từ năm 2019 - 2025 và từ năm 2026 - 2030, Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 gồm các nhiệm vụ chủ yếu như: rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về SDNLTK&HQ; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về SDNLTK&HQ đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất...; xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SDNLTK&HQ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SDNLTK&HQ.
Chương trình này cũng tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về SDNLTK&HQ; tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SDNLTK&HQ; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về SDNLTK&HQ và thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ.
Đây cũng là chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy SDNLTK&HQ thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực SDNLTK&HQ. Mục tiêu chương trình còn hướng đến hình thành thói quen SDNLTK&HQ trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2030. Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 được triển khai trên phạm vi cả nước và áp dụng với mọi đối tượng bao gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động sử dụng và quản lý năng lượng tại Việt Nam. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.
Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 được xây dựng dựa trên sự kế thừa, phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Chương trình mục tiêu Quốc gia về SDNLTK&HQ các giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các chương trình khác đang được triển khai thực hiện.
Giải pháp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời được giới thiệu tại một chương trình hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
SDNLTK&HQ trong ngành chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm
Cùng với ngành hàng gạo, từ lâu, cá tra được biết đến là mặt hàng chủ lực, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Đồng Tháp. Bên cạnh đó, ngành chế biến các sản phẩm sau gạo, ngành chế biến thực phẩm cũng đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh nhà.
Phát biểu tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện giải pháp SDNLTK&HQ ngành chế biến thủy sản và ngành chế biến thực phẩm” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Na - phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, để ngành chế biến thủy sản và chế biến thực phẩm phát triển bền vững, ngày càng mở rộng thị trường thế giới thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh thông qua giảm chi phí sản xuất. Trong đó, năng lượng chiếm chi phí khá lớn trong giá trị sản phẩm.
Tại hội thảo, Trung tâm KC&TVPTCN cũng đã giới thiệu với các DN trong tỉnh về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản. Cụ thể là Thông tư số 52/2018/TT-BCT ngày 25/12/2018 của Bộ Công Thương Quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm. Theo đó, thông tư này được áp dụng đối với các cơ sở chế biến cá da trơn và tôm có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên.
Về nhu cầu năng lượng sử dụng trong ngành chế biến thủy sản và thực phẩm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đối với nhà máy chế biến thủy sản, các dạng năng lượng sử dụng bao gồm: điện, dầu DO. Ở lĩnh vực chế biến thực phẩm, các dạng năng lượng sử dụng gồm: điện, dầu DO, trấu. Về sản phẩm sản xuất, nhà máy chế biến thủy sản gồm có các sản phẩm: cá tra phi lê đông lạnh; cá nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm; cá tẩm bột, cá cuộn tròn, chả cá...; nhà máy chế biến thực phẩm, sản phẩm sản xuất gồm: hủ tíu, bún, phở; bánh phồng tôm, bột, trái cây sấy...
Theo Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, về giải pháp SDNLTK&HQ trong ngành chế biến thủy sản và thực phẩm, một trong các giải pháp quan trọng là xây dựng mô hình quản lý năng lượng. Lợi ích của việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng là nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật SDNLTK&HQ, thông qua đó DN cũng sẽ kiểm soát năng lượng tốt hơn; sớm phát hiện những bất thường trong hoạt động sản xuất để kịp thời khắc phục sửa chữa; nâng cao tinh thần và trách nhiệm cán bộ, công nhân viên trong SDNLTK&HQ, từ đó giúp nâng cao hiệu quả SDNLTK&HQ.
Các giải pháp cần thực hiện tiếp theo là hạn chế vận hành trong giờ cao điểm; tăng cường công tác quản lý nội vi; sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu quả; vận hành hiệu quả hệ thống lạnh; sản xuất và sử dụng nước nóng hiệu quả; vận hành hiệu quả bơm nước (giảm trở lực trên đường ống, lắp biến tần điều chỉnh lưu lượng); vận hành hiệu quả trạm xử lý nước thải; vận hành hiệu quả máy nén khí; vận hành và sử dụng hiệu quả hệ thống lò hơi; sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Đối với giải pháp sử dụng điện năng lượng mặt trời, hầu hết các nhà máy chế biến thực phẩm và chế biến thủy sản đều có diện tích mái nhà lớn. Hơn nữa, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, khu vực Đồng Tháp có cường độ bức xạ lớn, từ 4,863 - 5,211 kWh/m2/ngày. Với những ưu thế trên, DN có thể lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời hòa lưới, giải pháp này sẽ có tác dụng giảm điện tiêu thụ từ điện lưới, nâng cao hình ảnh của DN với cộng đồng và khách hàng trong việc bảo vệ môi trường. Tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện giải pháp SDNLTK&HQ ngành chế biến thủy sản và ngành chế biến thực phẩm” vừa qua, Trung tâm KC&TVPTCN cũng đã giới thiệu đến các DN trong tỉnh các chính sách khuyến khích, ưu đãi khi sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp đã có những chương trình, hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thủy sản và chế biến thực phẩm trong tỉnh biết được định mức tiêu hao năng lượng của ngành, tiếp cận các giải pháp SDNLTK&HQ, giúp DN nắm rõ hiện trạng sử dụng năng lượng, các giải pháp SDNLTK&HQ có thể áp dụng vào trong sản xuất. Qua đó giúp DN sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm phát thải ô nhiễm ra môi trường, góp phần giảm chi phí sản xuất.
|
T.Hiền