“Tổ nhân dân tự quản cộng đồng”

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Cập nhật ngày: 25/02/2017 11:28:23

ĐTO - Được thành lập từ tháng 3/2015, gần 2 năm đi vào hoạt động, Tổ nhân dân tự quản cộng đồng số 5 (gọi tắt là Tổ) ở ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự chủ, tự quản của mình trong cộng đồng và tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


“Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” Tổ đang hướng tới thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế

Là một trong những Tổ nhân dân tự quản cộng đồng do tỉnh chọn để thực hiện thí điểm, Tổ có 30 hộ gia đình với 142 thành viên. Tổ sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần giữa các thành viên của Ban Quản lý tổ (Tổ trưởng, Tổ phó và Thư ký) và 3 tháng/lần với tất cả các thành viên của Tổ. Tại các buổi sinh hoạt chung, Ban Quản lý tổ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn và trực tiếp trả lời những thắc mắc, nguyện vọng có liên quan đến cuộc sống của người dân. Những nội dung vượt quá khả năng giải quyết, Ban Quản lý tổ sẽ tổng hợp và chuyển về Đảng ủy, chính quyền giải quyết. Người dân trong Tổ cũng được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến trong các hoạt động của địa phương. Qua đó, tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao giữa người dân với Đảng và chính quyền.

Công tác tuyên truyền được chú trọng, giúp người dân hiểu biết rõ hơn về nội dung các cuộc vận động, các chương trình mà địa phương đang thực hiện như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới,... Theo Ban Quản lý tổ, trước đây, khi chưa thành lập Tổ, trên địa bàn vẫn còn xảy ra một số tệ nạn xã hội, vấn đề vệ sinh môi trường thiếu đảm bảo, mối quan hệ xóm giềng chưa thật sự gắn kết... Nhưng từ khi có mô hình này, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các hộ dân trong Tổ dần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết được nâng cao, nhiều phong trào được người dân quan tâm hưởng ứng.

Thông qua các kỳ sinh hoạt, Tổ thường xuyên vận động các hộ dân chủ động xử lý rác thải, thực hiện tốt mô hình “5 không 3 sạch”, vận động được 5 hộ thí điểm xây hố xử lý rác thải bằng bê tông thay cho hố đất và hiện đang mở rộng cho tất cả các hộ thành viên. Tổ cũng tăng cường vận động trẻ em trong đổ tuổi đến lớp đầy đủ, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 4 suất học bổng và quà cho con em các hộ nghèo trong Tổ. Cả 30 hộ gia đình trong Tổ đều tự giác đăng ký và thực hiện tốt việc xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, trong Tổ không có người vi phạm pháp luật... Đây là những biểu hiện khởi sắc rõ nét nhất chứng tỏ hiệu quả thiết thực của mô hình “tự chủ, tự quản” này.

Ông Phạm Văn Hải - Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản cộng đồng số 5 cho biết: Các thành viên trong Tổ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nên hiện Tổ đang hướng đến xây dựng mô hình “Tổ sản xuất lúa chất lượng cao” nhằm nâng cao thu nhập cho mọi người. Theo đó, các thành viên sẽ trao đổi, học hỏi cách thức sản xuất lúa theo hướng hiện đại, hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu, tìm liên kết đơn vị tiêu thụ đầu ra... Ngoài ra, Ban Quản lý tổ còn thường xuyên quan tâm bàn bạc cùng các thành viên những cách thức làm kinh tế hiệu quả. Theo đó, một số mô hình sản xuất, chăn nuôi được các hộ dân trong Tổ chủ động học hỏi và thực hiện. Hiện trong Tổ có một số hộ chăn nuôi heo sinh sản, nuôi ba ba, vịt... với số lượng hàng ngàn con và đạt những kết quả nhất định.

Theo ông Phạm Văn Hải, thời gian tới, Tổ sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những kết quả đạt được. Đồng thời, tìm tòi và ứng dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế thiết thực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

NGÂN NGUYỄN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn