Hiệu quả của phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách

Cập nhật ngày: 15/11/2022 09:57:49

ĐTO - 20 năm qua, tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách (TDCS) xã hội tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế... Một trong những điểm nhấn tạo nên kết quả quan trọng là phương thức quản lý vốn TDCS xã hội đặc thù phù hợp, ngày càng phát huy hiệu quả.


Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn của Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi

Phương thức cho vay chủ yếu tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Việc ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện trên cơ sở văn bản liên tịch được ký kết giữa NHCSXH với tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, hợp đồng ủy thác được kí kết giữa NHCSXH cấp huyện với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh bám sát văn bản liên tịch chỉ đạo các đơn vị nhận ủy thác cấp huyện, xã thường xuyên phối hợp với NHCSXH cùng cấp thực hiện tốt các nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp cho NHCSXH thực hiện được chủ trương công khai hóa, dân chủ hóa và xã hội hóa hoạt động tín dụng ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, nhanh chóng... Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.067,8 tỷ đồng, với gần 146 ngàn khách hàng đang vay vốn tại 3.093 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 96,6% trên tổng dư nợ TDCS đang triển khai tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

Trong 20 năm qua, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn TDCS xã hội đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV, dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng Ban Nhân dân khóm/ấp, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua, đã góp phần đảm bảo vốn TDCS đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đã giúp hơn 798 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn TDCS để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Qua đó, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn TDCS...

Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi TDCS, toàn tỉnh đã thành lập 139 Điểm giao dịch của NHCSXH tại 139 xã, phường, thị trấn. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, phường, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật).

Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH nơi cho vay thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn. Đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh có 3.093 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 707 khóm, ấp trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số gần 146 ngàn tổ viên, bình quân mỗi tổ có 47 tổ viên. Trong 20 năm qua, Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện TDCS xã hội, là cầu nối giữa NHCSXH với người vay vốn, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội; là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện TDCS xã hội, góp phần giúp người dân gắn kết “tình làng, nghĩa xóm” trao đổi phương thức làm ăn, tạo sinh kế, xây dựng nông thôn mới.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn