Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Cập nhật ngày: 19/11/2023 15:36:46

ĐTO - Trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần I, năm 2023, sáng 19/11, UBND tỉnh Đồng Tháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Tọa đàm "Hội quán Đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp".


Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, doanh nghiệp, hội quán trên địa bàn tỉnh.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại tọa đàm

Tọa đàm gồm 3 phiên: Vấn đề lý luận và thực tiễn về hội quán; cách tiếp cận để phát huy vai trò của hội quán; hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - người khởi xướng mô hình hội quán cho rằng, những ngày đầu thành lập mô hình hội quán còn nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên với tâm thế vừa đi vừa dò đường, đến nay, hội quán xem như đã xác định được hướng đi. Điều đáng mừng là nông dân dần thay đổi tư duy trong sản xuất, liên kết để tạo ra những giá trị mới trong canh tác nông nghiệp. Đây chỉ là những kết quả bước đầu, con đường đi phía trước chắc chắn sẽ có nhiều chông gai nhưng tôi tin nếu biết đồng lòng, kết nối, cùng phát triển thì hội quán sẽ còn nhiều thay đổi hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt niềm tin.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, Đồng Tháp tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, hiệu quả bền vững và thân thiện với môi trường. Để làm được điều đó, tỉnh xác định, trước tiên phải thay đổi nhận thức của người dân. Mô hình hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, ngồi lại cùng nhau thay đổi từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác và liên kết với doanh nghiệp, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời góp phần phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.


Quang
cảnh tại phiên tọa đàm thứ nhất “Vấn đề lý luận và thực tiễn về hội quán”

Minh chứng từ thực tế, trong những năm qua, nông nghiệp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,51%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ước đến cuối năm 2023, Đồng tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn huyện nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao… Thành tựu này có sự đóng góp rất quan trọng của hội quán.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ: “Đạt được những thành quả trên là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân, trong đó, có vai trò của hội quán. Trong thời gian tới, để mô hình hội quán thực sự phát triển bền vững, theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân, thiết nghĩ cần thống nhất quan điểm, người dân tự thành lập hội quán, chính quyền là “cầu nối” giúp các hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng, liên kết với doanh nghiệp giúp tiêu thụ sản xuất chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các hội quán”.


Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và Công ty cổ phần tập đoàn Pan về việc triển khai Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”

Tại các phiên thảo luận, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hội quán lý giải, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn về mô hình hội quán; trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp thúc đẩy hội quán nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thiết thực vào xây dựng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong đó, đáng lưu ý là các giải pháp phát huy lợi thế mô hình hội quán, thu hút nguồn lực đầu tư vào địa phương; mở rộng đón đội ngũ trẻ tham gia vào hội quán; phát huy tối đa nội lực hội quán gắn với các đề án trọng tâm của tỉnh; phát triển nông nghiệp xanh trong hội quán…

Chương trình còn diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và Công ty cổ phần tập đoàn Pan về việc triển khai Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn