Hợp tác công tư trong chế biến Thủy sản - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra
Cập nhật ngày: 08/10/2023 05:40:42
ĐTO - Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong chế biến Thủy sản - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra tại Việt Nam”.
Quang cảnh hội nghị
Ngành hàng ca tra là một trong những ngành hàng thủy sản chủ lực của thủy sản. Hiện sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới và kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2,4 tỷ USD. Cá tra được tập trung nuôi chủ yếu tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre với diện tích hơn 6.000 ha/năm và sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp trên 2.100ha, sản lượng trên 330.000 tấn. Toàn tỉnh có 28 nhà máy chế biến cá tra (công suất thiết kế trên 700.000 tấn tấn/năm), 13 nhà máy chế biến phụ phẩm từ cá tra (công suất thiết kế 350.000 tấn/năm).
Tại hội thảo, ý kiến từ các đại biểu cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, khuyến khích nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm nhằm giảm phát thải, tận dụng tài nguyên...
Theo ông Trần Đình Luân - Cục Trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT: Dưới góc độ của hợp tác công tư PPP thủy sản, việc khởi động các nghiên cứu về đánh giá hiện trạng, phân tích đánh giá các thách thức mà ngành hàng đang gặp phải, phân tích điểm mạnh, điểm yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ bước đầu làm cơ sở đưa ra những giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Bước đầu một số tỉnh đã có những mô hình tiêu biểu như Đồng Tháp, An Giang,...
Nguyệt Đỗ