Huyện Lai Vung sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Cập nhật ngày: 07/12/2023 16:32:02
ĐTO - Thời gian qua, huyện Lai Vung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị, có thị trường mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời thực hiện đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số trong nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung tập trung phát triển diện tích cây có múi
UBND huyện Lai Vung đã tập trung thực hiện có định hướng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với 4 ngành hàng chủ lực gồm: lúa, rau màu, cây ăn trái (chủ lực là cây có múi) và hoa kiểng; phát triển các ngành hàng gắn với chuỗi giá trị và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các ngành, các cấp trên địa bàn huyện quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 nhằm nâng cao nhận thức người dân và cả hệ thống chính trị về kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với biến đổi khí hậu toàn cầu; phổ biến các mô hình giảm giá thành, bón phân thông minh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với thương hiệu. Đồng thời tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, đoàn viên về tác động, ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong trồng trọt và chăn nuôi.
Để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán và nông dân định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, thời gian qua, huyện Lai Vung đề ra các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với thị trường và điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang các loại cho giá trị cao trên cùng diện tích canh tác; mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông sản an toàn, nông sản hữu cơ gắn chứng nhận mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời mở rộng diện tích, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực gắn với vùng sản xuất trọng điểm theo định hướng tái cơ cấu ngành hàng chủ lực và ngành hàng tiềm năng của các địa phương; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, quảng bá các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông sản và nâng cao năng lực chế biến nông sản; hỗ trợ xây dựng cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện...
Với những nỗ lực không ngừng, trong năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản của huyện Lai Vung ước đạt hơn 3.050 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản bình quân đạt 9,2%/năm; diện tích gieo trồng lúa hơn 23.700ha, trong đó lúa chất lượng cao khoảng 2.500ha; diện tích trồng hoa kiểng là 1.063ha; diện tích vườn cây ăn trái đạt 7.550ha; diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng là 6.983ha...
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung chia sẻ: “Huyện đã và đang tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, chuyển mạnh từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Địa phương tiếp tục phát triển các diện tích sản xuất lúa, nâng cao diện tích lúa chất lượng cao, hướng tới xây dựng lúa hữu cơ. Đồng thời tập trung xây dựng các vùng màu nhằm sản xuất có hiệu quả, tăng diện tích; quy hoạch vùng cây ăn trái, nhất là cây có múi phát triển theo hướng bền vững...”.
NHẬT NAM