Tháp Mười

Kinh tế tập thể từng bước thích ứng với tình hình mới

Cập nhật ngày: 23/03/2023 14:35:23

ĐTO - Nhờ có những định hướng phát triển hợp lý, cùng sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong tỉnh, những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) huyện Tháp Mười có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước phát triển thích ứng với tình hình mới, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên.


Nhân viên kỹ thuật Công ty Rynan kiểm tra cơ chế hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2

Toàn huyện Tháp Mười hiện có 21 hợp tác xã (HTX) với hơn 2.600 thành viên. Trong đó, có 19 HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) và 2 HTX dịch vụ vận tải; doanh thu bình quân đạt 1,8 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 250 lao động, với thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Nâng cao năng lực HTX thích ứng trong tình hình mới, huyện đã tích cực chỉ đạo và chủ động ban hành các văn bản quán triệt, hướng dẫn nhằm củng cố, phát triển toàn diện các HTX. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã vào cuộc, quan tâm, lãnh chỉ đạo các HTX. Cùng với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật HTX năm 2012, huyện còn tập trung đẩy mạnh đào tạo và dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT.

Từ sự hỗ trợ tích cực của địa phương, hiện nay, một số HTX trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức lại sản xuất, áp dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chuỗi giá trị, mã số vùng trồng... góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm chủ lực của huyện.

Điển hình với cách làm mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phải kể đến HTX DVNN Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông). Thực hiện mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm” (diện tích 150ha), ngoài việc vận động thành viên sản xuất  theo quy trình sản xuất an toàn, HTX còn kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ thực hiện đúng hợp đồng cam kết, từ đó tạo sự an tâm và mang lại thu nhập ổn định đối với thành viên.

Theo đánh giá, với năng suất bình quân đạt 6,445 tấn/ha, giá thành sản xuất lúa của mô hình là 4.026 đồng/kg, đạt lợi nhuận 17,2 triệu đồng/ha, cao hơn 6,3 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình (10,9 triệu đồng/ha). Bên cạnh đó, mô hình còn tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng vào thực tiễn những tiến bộ kỹ thuật như: kỹ thuật bón phân vùi, cấy lúa bằng máy, áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD) bằng cách lắp đặt hệ thống cảm biến (sensor)...

Một số mô hình nổi bật khác có thể kể đến mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây mít và cây bưởi của HTX DVNN Đốc Binh Kiều (xã Đốc Binh Kiều); mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của HTX Trường Phát (xã Trường Xuân)... đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười, nhận thức được sự phát triển của KTTT, nòng cốt là HTX là yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT, HTX; kịp thời nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn