Lấy ý kiến Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Cập nhật ngày: 02/03/2022 05:36:41
ĐTO - Sở Công Thương Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp (TCCNCN) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo có sự tham gia góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), lãnh đạo sở, ngành tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết những ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương cho đề án sẽ được bổ sung, điều chỉnh phù hợp
Theo đánh giá của ngành công thương, thực hiện Đề án TCCNCN giai đoạn 2016 – 2020, sản xuất công nghiệp duy trì và phát triển khá tốt. Công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm 98,43% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp và đóng góp 12% tổng giá trị GRDP của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp được đầu tư phát triển, tạo mặt bằng cho các DN mở rộng, phát triển sản xuất. DN không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ nguyên liệu nông sản của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, phát triển còn thiên về chiều rộng, thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đang dần chững lại, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng mô hình, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; số lượng cơ sở công nghiệp nói chung và DN ngành công nghiệp nói riêng còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp...
Trên cơ sở nhìn nhận những mặt được và hạn chế trong giai đoạn qua, Đề án TCCNCN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định công nghiệp là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh; giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển công nghiệp chế biến theo chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; phát triển công nghiệp chế biến rau củ quả, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo là mũi đột phá.
Các mục tiêu cụ thể gồm: đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp đạt ít nhất 20% trong GRDP của tỉnh; độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 9,8%/năm, trong đó công nghiệp chế biến đạt 9,5%/năm; tỷ lệ lao động ngành công nghiệp qua đào tạo đạt trên 80%, lao động đào tạo nghề đạt 60%; giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động mỗi năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp đạt 1,6 tỷ USD... Phấn đấu đến năm 2030, duy trì giá trị sản xuất công nghiệp trong nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tỷ trọng ngành công nghiệp đạt ít nhất 25% trong GRDP của tỉnh...
Tại cuộc họp, các đại biểu đều cơ bản thống nhất với các mục tiêu, định hướng dự thảo đề án đưa ra. Đồng thời đề xuất một số ý kiến để hoàn thiện đề án như: cần đánh giá sâu hơn về các điểm yếu nội tại của ngành công nghiệp tỉnh để có những định hướng phát triển phù hợp; công nghiệp chế biến được xem là ngành công nghiệp lõi trong phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn tới, tuy nhiên cần nghiên cứu bổ sung thêm các ngành công nghiệp đi kèm, công nghiệp phụ trợ phù hợp với xu thế thị trường; có chính sách khuyến khích, thúc đẩy DN khởi nghiệp đầu tư, phát triển; đánh giá lại nguồn nhân lực công nghệ cao trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo, phát triển phù hợp xu hướng...
MN