Liên kết tiêu thụ “tự phát” - Còn nhiều rủi ro

Cập nhật ngày: 25/11/2013 05:33:16

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt ở các khu vực chợ, nhiều thương lái, tiểu thương chủ động tìm đến nhà vườn đặt vấn đề kết nối cung - cầu để có nguồn hàng ổn định và đa dạng hơn. Thương lái, tiểu thương đóng vai trò là những nhà đầu tư, có trách nhiệm hỗ trợ chi phí trong sản xuất cho nhà vườn. Ngược lại, nhà vườn có trách nhiệm sản xuất ra những mặt hàng theo nhu cầu của nhà đầu tư.


Liên kết tiêu thụ dưa leo giữa thương lái và nông dân

Hình thức kết hợp này, chủ yếu hai bên dựa vào chữ tín chứ không hề có hợp đồng hay có một đại diện thứ 3 ràng buộc. Vì vậy, bên cạnh việc phát huy nhiều ưu điểm thì mô hình này vẫn bộc lộ những nhược điểm và chính những người trong cuộc lại trở thành nạn nhân của nhau khi chữ tín bị phá vỡ.

Một số thương lái cho biết, hình thức kết hợp bao tiêu nông sản này xuất hiện khi tình hình cạnh tranh không lành mạnh giữa các thương lái với nhau. Thông thường, vào những lúc hàng hóa khan hiếm, nhiều thương lái đã nâng giá ảo làm cho nhà vườn ngộ nhận đó là giá thị trường hiện tại, nên không bán hàng cho các thương lái cũ vì nghĩ họ đang bị ép giá. Xuất phát từ thực tế đó, một số thương lái và tiểu thương tìm đến nhà vườn để hợp tác lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Cô Le - thương lái chuyên kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả ở huyện Lai Vung cho biết: “Trung bình một ngày tôi cung cấp cho các chợ lân cận trong khu vực và xuất đi Thành phố Hồ Chí Minh hơn 5 tấn rau, dưa các loại, chưa kể vào những thời điểm tiêu thụ hàng mạnh như các ngày 14 - 15, 29 - 30 âm lịch mỗi tháng. Vào những thời điểm này, nếu không có các đầu hàng ổn định thì tôi không thể huy động đủ số lượng hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Thấy nhiều thương lái khác họ cũng hợp tác đầu tư với nông dân nên tôi làm theo, thấy hiệu quả nên duy trì đến bây giờ”.

Tại một số chợ, các thương lái và tiểu thương cũng bỏ tiền túi đầu tư trực tiếp cho nhà vườn. Có người thì “khoán tiền” cho nhà vườn để chuẩn bị vụ mùa, số khác thì đầu tư hạt giống, có người thì đầu tư màng phủ, giàn... cho nông dân, miễn sao đến khi thu hoạch thì phải bán tất cả hàng hóa cho nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Thanh Trung ở huyện Lai Vung, một tiểu thương có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hợp tác này chia sẻ: “Muốn duy trì sự hợp tác này bền vững thì cả thương lái và nông dân phải luôn giữ chữ tín. Nhà vườn đã nhận đầu tư từ thương lái thì phải có nghĩa vụ cung cấp hết sản lượng cho người đầu tư chứ không được bán ra ngoài. Ngược lại, nhà đầu tư phải cam kết sẽ thu mua toàn bộ hàng hóa cho nhà vườn đúng giá cả ngoài thị trường theo từng ngày, không được ép giá hay bỏ hàng vào những thời điểm “dội chợ”.

Tuy nhiên, nhiều lúc thương lái cũng bị lừa với kiểu đầu tư này do một số nhà vườn nài nỉ, đặt vấn đề hợp tác nhưng khi đã đưa tiền đầu tư thì không những họ không xuống giống như đã hứa mà còn ôm tiền của mình trốn mất. Nhiều trường hợp khác, nông dân vẫn sản xuất bình thường nhưng do thời tiết làm mất mùa, người nông dân lâm vào cảnh “nợ chồng thêm nợ”, vậy là không có tiền để trả. Nhưng do không có hợp đồng nên không thể kiện cáo được”.

Tuy nhiên, không chỉ có nông dân đơn phương vi phạm những giao ước trong mối quan hệ hợp tác mà có các trường hợp chính những thương lái phá vỡ sự liên kết này. Ông Lê Văn Dũng - nông dân trồng dưa leo ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung là đối tác của bà Nguyễn Thị Cô Le cho biết: “Năm nay nhờ bà Le hỗ trợ tiền giống ngay từ đầu vụ nên tôi xuống giống hết 6 công ruộng dưa leo, nhờ dưa leo trúng giá, trúng mùa nên tôi có lãi gần 100 triệu đồng. Hợp tác với bà Le tôi thấy rất an tâm. Mấy vụ trước gia đình tôi trồng ớt cũng hợp tác bao tiêu với một thương lái theo kiểu này, không những luôn bị thương lái mua giá thấp hơn ngoài thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg mà thỉnh thoảng vào những lúc hàng ế, ớt của tôi còn bị bỏ lại không được thu mua”.

Liên kết tiêu thụ là một hình thức hợp tác hiệu quả, trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy được hiệu quả tối đa thì cả tư thương và nông dân phải thật sự tin tưởng nhau, không tự mình phá vỡ những qui ước mà hai bên đã thỏa thuận. Hơn thế, để đảm bảo tính khách quan trong việc hợp tác, cả hai nên thực hiện hợp đồng và phải có bên thứ 3 có thẩm quyền giám định để tránh thiệt hại đáng tiếc về sau.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn