Đồng Tháp
Nâng tầm chất lượng, hiệu quả sản phẩm OCOP
Cập nhật ngày: 21/12/2023 15:24:47
ĐTO - Đồng Tháp là một trong những địa phương top đầu của cả nước về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản phẩm OCOP hướng đến ổn định và phát triển bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước được đầu tư chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường
Tuyên truyền sâu rộng chương trình OCOP
Qua thời gian thực hiện, đến nay, Chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn. Theo đó, tỉnh hợp tác cùng 15 cơ quan báo chí ngoài tỉnh với hơn 1.000 tin, bài viết tuyên truyền, quảng bá hoạt động nổi bật về các lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, du lịch, đầu tư tại Đồng Tháp. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp hội các cấp tuyên truyền sâu rộng Chương trình OCOP đến các đoàn viên, hội viên với nhiều hình thức đa dạng.
Hướng đến sự phát triển bền vững, Đồng Tháp tiếp tục tận dụng các cơ chế chính sách giúp sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả. Trên tinh thần đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP theo quy định của Trung ương. Lồng ghép thực hiện 15 cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm; xúc tiến thương mại, phát triển du lịch, khuyến khích đầu tư vào khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, liên kết sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử (TMĐT)...
Công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh được đẩy mạnh giúp sản phẩm tiếp cận sâu với thị trường. Thời gian qua, công tác này được tỉnh thực hiện có hiệu quả khi tham gia các diễn đàn, hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Đến nay, cơ bản 100% sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của tỉnh tham gia sàn TMĐT. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hoạt động các Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, Phú Quốc; triển khai hoạt động trưng bày và bán sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP tại các khu điểm du lịch trong tỉnh; thực hiện ấn phẩm “Thông tin Doanh nghiệp và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp”. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức thành công Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp năm 2022”.
Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp được Bộ NN&PTNT giao thực hiện 2 mô hình chỉ đạo điểm “Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP - Sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười” và “Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười”. Các mô hình thực hiện hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sen (sản phẩm hàng hóa; sản phẩm du lịch) dựa trên lợi thế và điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân huyện Tháp Mười, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời phát triển sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Đến nay, các mô hình đang triển khai xây dựng dự án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện ở các năm tiếp sau.
Sản phẩm Xoài Chú Chín đạt chứng nhận OCOP 3 sao
Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số
Nhằm linh hoạt hơn trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh; giảm chi phí in ấn; lưu trữ và quản lý hồ sơ sản phẩm hiệu quả; từ năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện, áp dụng “Phần mềm số hóa OCOP” trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, giúp đơn giản thủ tục cho chủ thể, giảm nhẹ áp lực khi tham gia dự thi sản phẩm OCOP, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch. Căn cứ kết quả chấm điểm của Hội đồng cấp huyện, tỉnh, phần mềm tích hợp trích xuất kết quả các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao và hiển thị trực tiếp trên trang chính “Phần mềm số hóa” (https://ocopdongthap.vn/panel/san-pham-ocop). Riêng sản phẩm OCOP 5 sao, quản trị tỉnh sẽ tiến hành cập nhật sau khi có Quyết định phê duyệt của Bộ NN&PTNT.
Đầu ra cho được xem là yếu tố then chốt để các sản phẩm OCOP phát triển, trên tinh thần đó, thời gian qua, các ngành, các cấp đã không ngừng tăng cường công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua việc tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn... Hỗ trợ chủ thể tiếp cận, sử dụng các kênh TMĐT, mạng xã hội; kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream cho các chủ thể qua nền tảng số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua đợt phát động chiến dịch Quảng bá các sản phẩm đặc sản - OCOP và Du lịch trên nền tảng số. Chú trọng cập nhật thông tin, tập huấn về thông tin thị trường, xu thế bao bì, công nghệ sản xuất để chủ thể hoàn thiện hơn sản phẩm hiện có, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Sen huyện Tháp Mười tạo ra nguồn nguyên liệu phát triển thành nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp mang giá trị gia tăng cao *(Ảnh Mỹ Lý)
Giai đoạn 2019 - 2022, tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP của 119 chủ thể (275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao là hạt sen sấy của Công ty Nam Huy Đồng Tháp). Ngoài ra, hiện có 3 sản phẩm tiềm năng đang được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xét công nhận 5 sao OCOP đợt 2/2023. Trong đó, có gần 40 sản phẩm OCOP nằm trong làng nghề, làng nghề truyền thống và 4 sản phẩm du lịch đạt 3 sao OCOP. Trong năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành Quyết định thu hồi công nhận đạt sao đối với các sản phẩm chứng nhận OCOP năm 2019 tỉnh Đồng Tháp (gồm 16 sản phẩm 3 sao, 9 sản phẩm 4 sao) do ngưng sản xuất, không đáp ứng các tiêu chí theo quy định.
Năm 2023, toàn tỉnh có 207 sản phẩm tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của 110 chủ thể. Trong đó, có 55 sản phẩm OCOP năm 2020 tham gia đánh giá lại, 3 sản phẩm thi nâng hạng, 149 sản phẩm mới. Theo đó, có 57 sản phẩm của 16 chủ thể (32 sản phẩm mới; 25 sản phẩm đánh giá lại sau 3 năm) có điểm đạt từ 70 điểm trở lên và được UBND huyện, thành phố đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt 4 và tiềm năng 5 sao theo quy định...
NGUYỄN HƯNG