Đồng Tháp
Nâng tầm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù
Cập nhật ngày: 25/01/2023 06:18:31
ĐTO - Trong xu thế hội nhập, Đồng Tháp xác định nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là yếu tố quan trọng giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù khẳng định chất lượng và định vị uy tín trên thị trường, góp phần bảo tồn, phát huy những lợi thế so sánh về đặc trưng vùng miền mà tỉnh Đồng Tháp sở hữu.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tập trung đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sen
Tạo nền vững chắc cho sản phẩm nông sản
Với những định hướng trọng tâm, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp trong việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho tất cả nông sản chủ lực, đặc thù. Đến nay, có 25 nông sản chủ lực, đặc thù (trong đó, 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, 21 nhãn hiệu chứng nhận và 3 nhãn hiệu tập thể) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Cùng với đó, tỉnh còn đăng ký xác lập quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý Đồng Tháp cho sản phẩm sen; nhãn hiệu chứng nhận “Làng bột Sa Đéc”, “Ổi lê Cao Lãnh”; triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh tại Nhật Bản...
Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh nhằm hỗ trợ công tác tạo lập và quản lý các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: nhiệm vụ “Đăng ký xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận khô Phú Thọ”; “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chanh Cao Lãnh”. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm trước, trong và sau thu hoạch; sản xuất gắn kết với nhu cầu của thị trường...
Là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, thời gian qua, huyện Cao Lãnh tập trung xây dựng mã số vùng trồng, phát triển sản phẩm theo chuỗi ngành hàng, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản. Hiện, toàn huyện có 783,5ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 4ha chanh không hạt được cấp chứng nhận GlobalGAP. Ngoài ra, địa phương cũng đang đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã số xây dựng mã số vùng trồng diện tích trên 31.316ha. Điều này góp phần từng bước hình thành chuỗi ngành hàng, phát triển theo hướng bền vững.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết: “Thời gian qua, địa phương tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến theo nhu cầu của thị trường, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời quan tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển và hoàn thiện các sản phẩm OCOP. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ các thủ tục sản xuất, kinh doanh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm... đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá: “Thời gian qua, công tác tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh đạt được những kết quả bước đầu. Các địa phương triển khai nhiều giải pháp gìn giữ và phát triển giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù thông qua tạo lập, quản lý và phát triển quyền tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Từ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế”.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Góp phần nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 18/8/2021 về xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, sen) và các ngành hàng có tiềm năng tại các địa phương (vịt, nhãn, quýt hồng, heo, bò...) theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, theo chuỗi giá trị và từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc; tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của địa phương, có giá trị cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp du lịch theo Chương trình OCOP...
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh tại Nhật Bản.
Để việc quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thành lập các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp, hợp tác xã kiểu mới đủ năng lực để phối hợp cơ quan quản lý nhà nước tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có hiệu quả. Tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; gắn quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu với quy hoạch nông thôn mới để phát huy hiệu quả lâu dài và bền vững, phát triển ngành nông sản chủ lực và các ngành hàng có tiềm năng tại các địa phương. Ngoài ra, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trong đó xây dựng các nội dung đào tạo, tập huấn về quản trị và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu. Tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chú trọng xây dựng mã số vùng trồng đã giúp thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành) thuận lợi trong sản xuất, nâng cao thu nhập
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành) thông tin: “Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục gắn bó cùng thành viên sản xuất nhãn theo hướng hiện đại hơn, nâng cao năng suất, chất lượng cây nhãn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, đông lạnh, bảo quản, chế biến nhãn phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước...”.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì. Để công tác này đạt được thành công, ngoài các chính sách, hoạt động hỗ trợ của Nhà nước rất cần sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của các chủ sở hữu, sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp”.
Khánh Phan