Nâng tầm vị thế cho doanh nghiệp cơ khí

Cập nhật ngày: 16/09/2023 16:21:43

ĐTO - Thời gian qua, Đồng Tháp dành nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong đó, việc hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm giúp doanh nghiệp cơ khí nâng cao hiệu suất hoạt động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm...


Đoàn công tác của UBND tỉnh đến thăm Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức (Khóm 1, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) trở thành một trong những địa chỉ uy tín được thị trường đánh giá cao trong việc cung cấp các loại linh kiện, phụ tùng thay thế trong máy nông nghiệp có chất lượng tốt và giá thành thấp, phù hợp với điều kiện thị trường nội địa.

Ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức chia sẻ: “Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất  là một bước tiến trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp đang được sử dụng đều có nguồn gốc ngoại nhập, vì vậy, khi thiết bị hư hỏng phải tốn rất nhiều tiền để thay linh kiện. Xuất phát từ sự đồng cảm với người nông dân nên tôi quyết tâm mày mò, sản xuất ra những linh kiện cơ khí máy nông nghiệp “Made in Viet Nam” với chất lượng tốt và giá cả phải chăng để thay thế cho những linh kiện ngoại nhập”.

Tuy nhiên, thời gian đầu, do doanh nghiệp chưa có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nên linh kiện, chi tiết máy được thực hiện thủ công và lệ thuộc nhiều vào tay nghề của người lao động. Do đó, sản phẩm thường bị một số hạn chế như: sai số kỹ thuật, độ chính xác chưa cao, khó lắp lẫn... hiệu suất sản xuất của doanh nghiệp cũng không cao.

Nhận thấy việc đầu tư máy gia công chính xác và tự động là cần thiết, năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp xây dựng Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các cụm chi tiết máy, phụ tùng, linh kiện thay thế các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp” cho Công ty TNHH Máy Nông nghiệp Minh Đức nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục một số “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Theo đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ là xây dựng đề án và hỗ trợ máy chấn tôn (model: WC67K-160T/2500) cho Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức, với tổng kinh phí thực hiện đề án là 633,5 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng, vốn doanh nghiệp đối ứng 333,5 triệu đồng.

Ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức phấn khởi nói: “Từ sự trợ lực kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công đã tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, để chúng tôi có điều kiện tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, phục vụ cho người tiêu dùng nội địa... Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh sẽ là hướng đi tất yếu để sản phẩm của doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài”.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, khi Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức được hỗ trợ đầu tư Máy chấn tôn đã góp phần giúp đơn vị giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất chế tạo, tăng từ 7.770 sản phẩm/năm lên 10.197 sản phẩm/năm. Đồng thời, với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào khâu thiết kế, sản xuất góp phần giúp cho việc sản xuất các cụm chi tiết máy, phụ tùng, linh kiện thay thế của đơn vị có độ chính xác cao, độ tin cậy lớn, thay thế lắp lẫn hoàn toàn, giá cả chỉ bằng 1/3 so sản phẩm ngoại nhập... Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm cơ khí của Đồng Tháp tăng khả năng cạnh tranh và chứng minh vị thế trên thị trường.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian tới, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Minh Đức có thể thực hiện liên kết gia công linh kiện, chi tiết máy... với các doanh nghiệp cơ khí khác ở địa phương để có thể phát huy tốt hơn nữa hiệu suất của Máy chấn tôn. Hướng đi này giúp phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ từ địa phương và hỗ trợ ngành cơ khí của Đồng Tháp tăng khả năng cạnh tranh...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn