Ngành công thương chủ động triển khai các việc trọng tâm và đạt nhiều kết quả nổi bật

Cập nhật ngày: 03/01/2023 06:18:32

(Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Tháp)

Phóng viên (PV): Được biết, năm 2022, ngành công thương tỉnh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt vượt kế hoạch. Xin ông điểm lại vài kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?


Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp. 
Ảnh: T.N

Ông Nguyễn Hữu Dũng (N.H.D.): Những tháng đầu năm 2022, nhiều người không khỏi lo lắng về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu ngành công thương khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong tỉnh liên tục phải đối mặt với khó khăn từ thị trường tiêu thụ sản phẩm, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao và ảnh hưởng của dịch Covid-19... Tuy nhiên, nhờ có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng DN trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022, hoạt động của ngành công thương năm 2022 đạt được những kết quả khả quan.

Tình hình sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết ngành, các DN sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định, gắn kết lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 77.008 tỷ đồng, tăng 13,32% so với năm 2021. Theo đó, hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có sản lượng sản xuất tăng cao so với năm trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN phục hồi nhanh. Ngành phối hợp hỗ trợ, kết nối tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP được phân phối vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 108.653 tỷ đồng, tăng 19,64% so với năm 2021.

Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng ổn định với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 2.258 triệu USD, tăng 45,73% so với năm 2021, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản và gạo có sự tăng trưởng ấn tượng (lần lượt 37,98%, 34,08%). Xuất khẩu nông sản cũng ghi nhận bước tiến mới khi xuất khẩu thành công lô xoài đầu tiên sang thị trường châu Âu...

PV: Nguyên nhân đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2022 và điều này hứa hẹn gì trong năm 2023?

Ông N.H.D.: Ngay từ đầu năm, Sở Công Thương chủ động triển khai xây dựng chương trình công tác trọng tâm của ngành với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phân giao các phòng, đơn vị tổ chức thực hiện. Trong đó, ngành tập trung thực hiện một số công việc như: triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định hoạt động và phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai hiệu quả các đề án khuyến công quốc gia và địa phương; đảm bảo cân đối cung - cầu và bình ổn thị trường...

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trong việc đồng hành với DN vượt qua khó khăn và phát triển sau đại dịch Covid-19, thông qua các buổi cà phê DN, các Đoàn công tác của tỉnh trực tiếp đến DN để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đồng thời lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN.

Ngoài công tác hỗ trợ, gặp gỡ DN được quan tâm hàng đầu và đã giải quyết được nhiều khó khăn để DN phục hồi và phát triển, Sở cũng triển khai mạnh mẽ hoạt động khuyến công thông qua Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, Chương trình nâng cao năng lực quản lý, Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Chương trình cung cấp thông tin tuyên truyền... Từ đó, giúp DN yên tâm triển khai các giải pháp phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.

Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương, quảng bá sản phẩm cũng được tổ chức; các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thực hiện; khởi động lại Trung tâm Giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, Trung tâm Giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tại Phú Quốc. Qua đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP được phân phối vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan...

Nhìn lại kết quả đạt được trong năm 2022 vừa qua, kinh tế của tỉnh đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn. Có thể thấy, kinh tế Đồng Tháp đã “lội qua” khó khăn, bước vào quỹ đạo tăng trưởng trở lại và ngày càng được định hình một cách rõ nét hơn, đây chính là động lực để DN thích ứng với bối cảnh mới và đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2023.

PV: Những khó khăn cơ bản cần tập trung tháo gỡ và những giải pháp trong năm 2023 trong lĩnh vực công thương?

Ông N.H.D.: Bước sang năm 2023, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, kinh tế của tỉnh dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất khó lường; sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc; cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi; lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn yếu.

Để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, Sở Công Thương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2023 như sau:

Một là, chủ động theo sát, nắm bắt và phối hợp các sở, ngành liên quan tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các DN; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, phí, lao động...

Hai là, tăng cường hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại hỗ trợ DN khai thác thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, tiếp tục triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất nông thôn chuyển đổi dây chuyền, thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo môi trường và hiệu quả sản xuất; thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; tổ chức các hoạt động kết nối giao thương; phát huy vai trò cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu giữa DN của tỉnh với DN nước ngoài đạt hiệu quả, chất lượng.

Ba là, xây dựng, triển khai đạt kết quả các đề án, chương trình định hướng phát triển ngành công thương trong thời gian tới; tập trung triển khai công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp, chợ, tích cực xúc tiến đầu tư các dự án mới; tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch chuyển đổi số ngành công thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính; rà soát các quy định mới để bổ sung, hoàn chỉnh các thủ tục hành chính của Sở Công Thương theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong việc thực hiện các dịch vụ công.


Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị gặp gỡ kết nối cung - cầu nông sản năm 2022 tại huyện Cao Lãnh (ngày 6/10/2022) thu hút nhiều đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác

PV: Chia sẻ của ông đối với cộng đồng DN, người sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 này?

Ông N.H.D.: Năm 2023, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn. Trong nước, kinh tế Việt Nam được dự báo đối diện nhiều ẩn số vì các động lực tăng trưởng quan trọng liên quan tới kinh tế thế giới đã bắt đầu chững lại, trong khi các động lực từ thị trường nội địa cũng đối diện những thách thức nhất định.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, cộng đồng DN, người sản xuất, kinh doanh cần phải bình tĩnh để sẵn sàng ứng phó với thách thức, khó khăn, phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để tồn tại và phát triển. Các DN xuất khẩu cần tận dụng tốt mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của đất nước trên tầm cao mới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn