Người dân bước đầu tin tưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 11/01/2013 05:03:24

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 3 huyện trên địa bàn tỉnh, bước đầu bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút sự quan tâm, chú ý của người trồng lúa. Mô hình này được xem là điểm tựa quan trọng giúp họ giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Người dân tin tưởng

Trung tuần tháng 9/2012, mưa lớn tại các vùng đầu nguồn đã gây hậu quả nặng nề cho người trồng lúa. Ghi nhận tại các huyện Tân Hồng, Tháp Mười, nhiều nông dân bày tỏ xúc động khi được bồi thường bảo hiểm. Ông Lê Văn Bi, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng cho biết, đầu vụ đông xuân năm 2012-2013, gia đình ông có 40% trong tổng số 13ha diện tích lúa bị thiệt hại do mưa lớn, làm giảm năng suất lúa. Ngay sau khi gửi giấy thông báo đến Công ty Bảo Việt, Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Tân Hồng đánh giá rủi ro và chi trả trên 19 triệu đồng tiền bồi thường cho gia đình.


Được ký nhận tiền bảo hiểm trên 4,3 triệu đồng, ông Trần Văn Giàu ngụ ấp An Thọ, xã An Phước, huyện Tân Hồng cho biết: “Tôi có 6,5ha diện tích lúa nằm trong vùng bao tiêu nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng. Trong đợt mưa ngập úng đầu vụ, diện tích lúa của tôi bị thiệt hại trên 50%. Nhưng nhờ tham gia bảo hiểm nên gia đình được chi trả một khoản tiền để trang trải lúc khó khăn. Mặt khác, theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Công ty, tôi chỉ phải nộp 14.177 đồng/công, vì vậy tôi rất phấn khởi khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp”.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh, đến tháng 12/2012, toàn tỉnh có 7.688 hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp với số phí trên 3,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2,9 tỷ đồng, người nông dân đóng 583 triệu đồng. Để có được kết quả này, ngay sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Tháp đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, thủ tục tham gia bảo hiểm nông nghiệp; lựa chọn, thống kê đối tượng hộ trồng lúa tại 32 xã của 3 huyện Tháp Mười, Châu Thành và Tân Hồng.

Trong đó, Công ty Bảo Việt Đồng Tháp là đơn vị chịu trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên. Công ty tiến hành ký hợp đồng bảo hiểm với nông dân và đã chi trả kịp thời 624 triệu đồng cho 313 hộ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại trong vụ đông xuân, hè thu năm 2012 (7 hộ) và thiệt hại do ngập úng vụ đông xuân năm 2012-2013.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp chỉ bằng 1/10 diện tích

Theo kết quả rà soát của Ban chỉ đạo, đến nay ở 3 huyện: Tháp Mười, Châu Thành, Tân Hồng có khoảng 70.900ha diện tích lúa (vụ đông xuân năm 2012-2013) được tham gia bảo hiểm. Sau hơn 1 năm triển khai, chỉ có trên 7.600 hộ tham gia ký hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, phần lớn các hộ tham gia nằm trong vùng bao tiêu lúa của các Công ty Thanh Tùng, Dasco, Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng.

Ngoài ra, số lượng người dân tự nguyện đăng ký tham gia rất thấp. Nguyên nhân là do người dân còn chưa tin tưởng khi tham gia bảo hiểm. Hơn nữa, công tác tuyên truyền chưa đa dạng, chỉ mang tính bề nổi nên chưa khuyến khích được người dân tham gia.

Ông Nguyễn Chi Lăng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng cho biết, trong số 1.063 hộ trên địa bàn huyện tham gia mua bảo nông nghiệp, chỉ có 61hộ ngoài vùng bao tiêu nguyên liệu tự nguyện mua bảo hiểm. Việc vận động các hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo và các hộ trung bình ngoài vùng bao tiêu mua bảo hiểm rất khó, vì rủi ro cho cây lúa chủ yếu về giá nhưng điều khoản đền bù cho lúa chủ yếu về năng suất, dịch bệnh nên người dân không mặn mà. Hơn nữa, người dân vẫn còn chủ quan trong sản xuất.

Đại diện Công ty Bảo Việt Đồng Tháp cho hay, sau 1 hơn năm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Công ty đã tích cực hỗ trợ cho người dân trên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp rủi ro vẫn còn khá cao, do đó để khuyến khích các hộ trung bình trở lên tham gia bảo hiểm, Công ty Bảo Việt Đồng Tháp đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh, tính toán tổn thất, thiệt hại để giải quyết thỏa đáng và kịp thời cho bà con.

Để khuyến khích người dân tham gia, các địa phương cần triển khai sâu rộng hơn nữa đến người nông dân về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, cốt lõi là làm sao liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để khuyến khích, hỗ trợ chi phí tham gia bảo hiểm cho người nông dân.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn