Nhiều điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế tỉnh nhà
Cập nhật ngày: 02/07/2024 08:10:27
ĐTO - Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN tạo tác động tích cực đưa bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Từng ngành, lĩnh vực đều khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2023 và chuyển biến qua từng tháng...
Chế biến cá tra xuất khẩu là thế mạnh của Đồng Tháp
Trụ đỡ nông nghiệp
Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 31.428 tỷ đồng, tăng 5,93% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 1.758 tỷ đồng). Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá tốt, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,82%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,0%; khu vực thương mại - dịch vụ (kể cả thuế) tăng 6,58%. Hai khu vực nông - lâm - thủy sản và công nghiệp - xây dựng vượt kịch bản tăng trưởng.
Với nhiều chủ trương, chiến lược, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải... tạo điều kiện để thực hiện nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 22.580 tỷ đồng, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 643 tỷ đồng). Giá trị tăng thêm khu vực này đạt 9.869 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 271 tỷ đồng), bằng 100,09% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 44,55% kế hoạch năm, đóng góp 0,91% trong tăng trưởng chung.
Lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ước đạt 13.826 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 468 tỷ đồng), bằng 100,5% mục tiêu 6 tháng đầu năm và bằng 44,2% kế hoạch năm. Toàn tỉnh hiện có 1.270 vùng trồng, với 2.638 mã số xuất khẩu (xoài, nhãn, mít, thanh long, chanh, sầu riêng, ớt...) cùng 114.116ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Đáng chú ý là ngành hàng lúa gạo tiếp tục tái cơ cấu đi vào chiều sâu, giống lúa chất lượng cao được tăng cường sử dụng. Diện tích chứng nhận an toàn, cấp mã số vùng trồng lúa tiếp tục mở rộng đáng kể. Tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa thuận lợi, giá bán cao hơn cùng kỳ từ 1.800 - 3.500 đồng/kg, lợi nhuận tăng khoảng 14,9 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước đạt 6.802 tỷ đồng, bằng 101,5% mục tiêu 6 tháng đầu năm và bằng 43% kế hoạch năm.
Ngành hàng hoa kiểng nhờ thu hoạch thuận lợi, đáp ứng cao điểm tiêu dùng nên giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng 6 tháng đầu năm ước đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 3,85% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 88 tỷ đồng), nhưng do diện tích giảm nên chỉ bằng 95% mục tiêu 6 tháng đầu năm và bằng 35,6% kế hoạch năm.
Ngành hàng trái cây tăng trưởng tốt, canh tác theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Diện tích gieo trồng cây ăn trái ước đạt 45.143ha, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,9% so với mục tiêu 6 tháng đầu năm và 97,1% kế hoạch năm. Tuy nhiên, do diện tích trồng cây có múi giảm nên phần nào ảnh hưởng đến giá trị sản xuất cây lâu năm. Giá trị sản xuất ngành hàng trái cây 6 tháng đầu năm ước đạt 3.088 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng 98,9% mục tiêu 6 tháng đầu năm và bằng 60,1% kế hoạch năm.
Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng tốt, tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 62 tỷ đồng), bằng 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm và đạt 46,9% kế hoạch năm. Tình hình nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì. Với giá thành chăn nuôi thủy sản tăng trong khi giá bán giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản ước đạt 5.621 tỷ đồng, tăng 4,46% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 240 tỷ đồng), bằng 103,2% mục tiêu 6 tháng đầu năm và 40,3% kế hoạch năm. Trong đó, ngành hàng cá tra đóng góp 63,8%, giá trị tương đương 3.586 tỷ đồng.
Công nghiệp - xây dựng phục hồi, tăng trưởng
Theo UBND tỉnh, nhiều tín hiệu khả quan đến từ sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đầu năm tác động tích cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong tháng và những tháng tiếp theo. Các chỉ tiêu ngành du lịch, xuất khẩu tăng trưởng khá tốt, nhất là sự phục hồi của thủy sản chế biến là điểm sáng trong những tháng đầu năm.
Theo đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 6.251 tỷ đồng, tăng 9,16% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 154 tỷ đồng), bằng 102,52% so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm, bằng 50,34% kế hoạch năm, đóng góp 1,76% vào tăng trưởng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,92% so với cùng kỳ năm 2023. Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều DN có tín hiệu tốt về đơn hàng, nhất là thị trường xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Khu vực thương mại - dịch vụ trong 6 tháng đầu năm có khởi sắc, giá trị tăng thêm ước đạt 14.052 tỷ đồng, tăng 6,58% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 867 tỷ đồng), bằng 96,56% kế hoạch tăng trưởng 6 tháng đầu năm và bằng 48,26% kế hoạch năm. Sức mua hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.446 tỷ đồng, tăng 10,34% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 95,81% so với kịch bản tăng trưởng và đạt 47,58% kế hoạch năm. Trong những tháng đầu năm ghi nhận tín hiệu khởi sắc từ thị trường xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 850 triệu USD, tăng 39,09% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 141,67% so với kịch bản tăng trưởng và bằng 60,71% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ước tính có 330 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, đạt 50,77% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký là 2.390 tỷ đồng và tổng lao động đăng ký là 3.400 lao động (tăng 86% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh có 5.284 DN đang hoạt động. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư tư nhân, tiếp và làm việc với nhiều đoàn đến thăm, làm việc và tìm hiểu đầu tư tại tỉnh.
Tình hình phân khai chi tiết vốn đầu tư công năm 2024 đạt 6.604,7 tỷ đồng, đạt 98,91% kế hoạch. Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.475 tỷ đồng, đạt 50,15% kế hoạch. Tình hình phân khai vốn và triển khai các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đến nay đạt 98,42%. Ngành xây dựng phục hồi, giá trị tăng thêm đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 8,21% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 95 tỷ đồng), bằng 104,1% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 46,51% kế hoạch năm.
Bên cạnh các chỉ số về kinh tế có tăng nhưng chưa tạo được sự bứt phá và chưa đạt kỳ vọng. Trong cơ cấu nội ngành, còn một số mặt hàng gặp khó khăn. Trên tinh thần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024 đạt 9,57%, cả năm đạt 8%, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm 2024.
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh tổ chức, chỉ đạo phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; khuyến khích luân canh giảm diện tích trồng lúa hè thu trên những khu vực trồng lúa kém hiệu quả...
Bên cạnh đó hỗ trợ và khuyến khích DN gia tăng công suất hoạt động, phục hồi các hợp đồng, đơn hàng xuất khẩu bị suy giảm. Hỗ trợ hộ kinh doanh, DN, hợp tác xã kết nối tiêu thụ, tiếp cận vốn, ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các chương trình đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất, hoạt động hiệu quả, đúng quy định. Thúc đẩy việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm, để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động. Triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu thương mại và dịch vụ; kích thích lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiếp tục tạo điều kiện cho xuất khẩu.
Mặt khác, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết đầu tư; tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, theo dõi sát nhu cầu và có kế hoạch cung ứng cát kịp thời, hợp lý cho các công trình, nhất là các dự án giao thông trọng điểm; khẩn trương việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Y Du