Nhiều điểm sáng từ hoạt động khuyến công địa phương
Cập nhật ngày: 28/01/2018 07:49:12
Thực hiện kế hoạch khuyến công tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2020, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp tích cực triển khai các nội dung khuyến công, bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công địa phương. Qua đó, góp phần hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiệu quả từ các hoạt động khuyến công địa phương
Năm 2017, TTKC&TVPTCN phối hợp với các cơ sở CNNT trên địa bàn triển khai thực hiện 22 đề án khuyến công địa phương (1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và 21 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất). Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nhiều hoạt động khác được triển khai đồng bộ như tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức cho các cơ sở CNNT...
Cũng trong năm 2017, TTKC&TVPTCN tổ chức thành công đợt bình chọn và trao chứng nhận cho 16 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, bao bì sản phẩm CNNT lần thứ nhất. Các cơ sở có sản phẩm đạt giải được ưu tiên hỗ trợ kinh phí ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất và giới thiệu, quảng bá tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để phát triển thị trường.
Máy cắt kiếng công nghiệp Vetromac tại Doanh nghiệp tư nhân Lộc Nhàn được hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (Ảnh: Mỹ Lý)
Các hoạt động khuyến công ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, chương trình khuyến công đã triển khai khắp các huyện, thị xã, thành phố. Số lượng đề án tăng với nhiều nội dung phong phú, phù hợp với nhu cầu và khả năng của đơn vị thụ hưởng, đạt các mục tiêu đề ra và hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh nâng cao năng suất, các cơ sở đã chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Phát huy thế mạnh địa phương
Trong năm qua, các hoạt động khuyến công tỉnh Đồng Tháp luôn ưu tiên cho địa bàn xã xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu và sản xuất sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt. Qua đó, chương trình đã thổi luồng gió mới khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển, quảng bá sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Anh Đặng Quý Ngọc, một bạn trẻ ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã chọn trái mãng cầu xiêm – đặc sản của địa phương để khởi nghiệp. Ngọc chia sẻ, với khát khao đưa thương hiệu trái cây Đồng Tháp vươn xa nên đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành để sản xuất nhiều dòng sản phẩm từ mãng cầu xiêm như thức uống dinh dưỡng, mãng cầu xiêm sấy dẻo, trà mãng cầu xiêm... Được sự hỗ trợ của TTKC&TVPTCN, công ty đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2017, nhóm sản phẩm chế biến từ mãng cầu xiêm của Công ty được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu. Anh Ngọc cũng xuất sắc đạt giải C cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, bao bì sản phẩm CNNT tỉnh Đồng Tháp lần thứ nhất. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang các nước: Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc....
Tương tự, Cơ sở sản xuất bột lọc tươi Tài Dương tại làng nghề sản xuất bột gạo truyền thống ở TP.Sa Đéc được TTKC&TVPTCN hỗ trợ đầu tư 2 máy hút bột chân không. Theo ông Phạm Công Lý - chủ cơ sở, trước đây cơ sở sử dụng máy móc chưa hiện đại nên sản lượng thấp, gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Sau khi đầu tư máy móc hiện đại, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đến đặt vấn đề hợp tác kinh doanh và ký hợp đồng thu mua bột nguyên liệu với giá ổn định hơn. Bên cạnh đó, ngoài sản xuất bột tươi, cơ sở đang đầu tư thêm máy móc để làm bột khô.
Chia sẻ về phương hướng triển khai các hoạt động khuyến công trong năm 2018, ông Mai Văn Đối – Giám đốc TTKC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết, Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao; tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm công nghiệp gắn với tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu hiện có của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, làm tốt vai trò là cầu nối doanh nghiệp với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng, góp phần phát triển thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh địa phương.
Minh Nguyễn