Nông nghiệp thông minh - Sự chung tay của nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân

Cập nhật ngày: 25/01/2018 18:54:26

ĐTO - Ngày 25/1/2017, tại TP.Cao Lãnh diễn ra Hội thảo quốc tế “Nông nghiệp thông minh - Cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác về đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Việt Nam và Australia. Hội thảo do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp, Đại sứ quán Australia và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo

Chủ trì Hội thảo có Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN, bà Rebecca Bryant - Công sứ/Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam. Hội thảo gồm có 3 phiên: phiên toàn thể, phiên chuyên đề, phiên tổng kết và thảo luận kế hoạch triển khai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan mong muốn biểu, khách dự cùng trao đổi, phân tích, chỉ ra những cơ hội, thách thức, những điều cần lưu ý trong việc nâng cao năng lực tiếp cận đối với nông nghiệp thông minh; sự tương thích với năng lực và tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, gợi mở nhiều giải pháp khả thi, phù hợp để Đồng Tháp nghiên cứu triển khai, ứng dụng đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Trong phiên toàn thể, bà Vũ Kim Hạnh - Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp đã thông tin đến hội thảo hiện trạng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bà cho rằng, hiện nay làn sóng khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp Việt Nam đang bùng nổ, nổi bật là các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam, vì vậy việc áp dụng công nghệ vẫn chưa đủ mà cần phải tạo ra được nền tảng “đổi mới sáng tạo” để kết nối với hệ sinh thái sáng tạo trong kinh tế nông nghiệp.

Đại diện Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia (CSIRO) cũng chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Úc . Theo đó, để người nông dân tiếp cận với nông nghiệp 4.0, chính quyền sẽ tạo điều kiện để kích hoạt người nông dân tiếp cận kho tàng tri thức KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc cung cấp dữ liệu. Từ đó, người nông dân sẽ tự quyết định, tham gia vào công cuộc trên.

Riêng tại Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đạt nhiều thành tựu. Ngoài ra, tỉnh còn ứng dụng công nghệ thông tin (IoT) trong quản lý và sản xuất nông nghiệp; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này.

Kết luận phiên họp tổng thể, bà Rebecca Bryant cho rằng, KH&CN không chỉ là vấn đề của người dân, doanh nghiệp, chính quyền mà còn quan trọng trong bối cảnh đối tác toàn cầu của các quốc gia. Vì vậy, với những kết quả, kinh nghiệm hiện có, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nhằm mang lại lợi ích cho cả 2 quốc gia. Bà mong đợi sẽ có nhiều hợp tác hơn trong các vấn đề cung ứng, chuyển giao công nghệ.

Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, chiến lược của Bộ KH&CN không chỉ đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách truyền thống mà sẽ quyết tâm hơn trong việc tạo ra đầu mối để kết nối tất cả các đối tác, từ nông dân đến doanh nghiệp, nhà khoa học để tạo ra những sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

KHÁNH DUY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn